Lá sung là loại rau gia vị giúp làm tăng hương vị cho các món nem chua, gỏi cá và nhiều món cuốn khác. Nó giúp giảm độ ngán, độ tanh và làm dịu vị chua của món ăn. Nhưng tác dụng của nó không chỉ có vậy.
Lá sung có những công dụng gì?
Theo BS Nguyễn Thùy Trang – Trung tâm Y học cổ truyền Vinmec Sao Phương Đông, trong Đông y, lá sung có nốt sần được xem là tốt hơn những lá bình thường, có thể chữa bệnh gan, nhức đầu, làm thuốc bổ cho người ốm…
Lá sung có nốt sần được xem là tốt hơn những lá bình thường
Những nốt sần này xuất hiện do loài sâu P.syllidae ký sinh; tuy con sâu đã bỏ đi rất lâu trước khi những nốt này phồng to, trong đó không có trứng hay sâu ký sinh sót lại. Những nốt sần chỉ hình thành ở những lá mới mọc từ chồi, do đó bác sỹ Trang khuyên nếu muốn ăn lá sung, mọi người cứ mạnh dạn chọn những lá có nốt sần.
Vậy lá sung có những công dụng gì? Theo Đông y, lá sung tính mát, vị ngọt hơi chát, có tác dụng thông huyết, giảm đau, lợi tiểu, tiêu viêm, tiêu đờm, sát trùng, bổ huyết. Dân gian còn dùng lá sung để chữa tê thấp, lợi sữa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gợi ý, có thể sử dụng lá sung để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường do nó có tác dụng giảm glucose. Một nghiên cứu nhỏ thực hiện năm 1998 cho thấy chất chiết xuất từ lá sung giúp giảm lượng đường trong máu sau ăn của những người tham gia, liều lượng insulin họ cần dùng cũng thấp hơn.
Nhiều nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy lá sung và nhựa mủ cây sung có hoạt tính kháng u, chống lại các tế bào ung thư ruột kết ở người, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư gan. Lá sung cũng có thể cải thiện huyết áp và lượng mỡ trong máu.
Bài thuốc đơn giản từ lá sung
Trong bài viết đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống, Lương y Hoài Vũ nêu một số bài thuốc từ lá sung:
Lá sung cũng được dùng để chế thuốc bổ cho người mới ốm dậy
– Lợi sữa: Lá sung vú (lá có nốt sần) 100gr, chân giò lợn 1 cái, quả mít non 50gr, quả đu đủ non 50gr, lõi thông thảo 10gr, hạt mùi 5gr, gạo nếp 100gr, nấu thành cháo, ăn 2 lần trong ngày. Dùng 3 ngày liền.
– Chữa nổi cục đỏ ở lưng ngực, có đau và sốt: Lá sung vú 40gr, huyền sâm, huyết giác, ngưu tất, mỗi vị 20gr, thái nhỏ, sắc uống 2 lần trong ngày.
– Chữa gan nóng, vàng da: Lá sung vú 30gr, nhân trần 30gr, kê huyết đằng 20gr, rau má 50gr, sâm đại hành 20gr, sắc uống trong ngày thay trà.
– Chữa sốt, cảm cúm: Lá sung vú 16gr, lá chanh 16gr, nghệ 16gr, tỏi 6gr, sắc lấy nước đặc, uống. Nếu mồ hôi ra nhiều thì uống nguội, ngược lại thì uống nóng, rồi đắp chăn cho ra mồ hôi.
– Chữa bong gân, sai khớp: Lá sung vú, lá bàng, lá mua, lá cỏ xước, lá cứt lợn giã nhỏ, thêm ít rượu và đắp vào chỗ đau.
– Chữa nổi mụn trên mặt: Lá sung vú đem nấu nước, xông và rửa hàng ngày.
Ngoài ra, lá sung cũng được dùng để chế thuốc bổ cho người mới ốm dậy, kém ăn, mất ngủ: Lá sung vú 200gr, củ mài, hạt sen, đảng sâm, thục địa, hà thủ ô, táo nhân, ngải cứu mỗi vị 100gr. Lá sung phơi trong râm cho khô, tán bột, củ mài đồ chín, sao vàng, tán bột.
Thục địa tẩm nước gừng, sao thơm, giã nhuyễn. Ngải cứu tươi nấu kỹ lấy nước đặc. Hà thủ ô tẩm nước đậu đen, sao kỹ, tán bột. Táo nhân sao đen, tán bột. Hạt sen, đảng sâm, đều sấy khô, tán bột.
Tất cả trộn đều thêm mật làm viên bằng hạt ngô, sấy khô. Người lớn mỗi lần uống 18 viên. Trẻ em tùy tuổi mỗi lần dùng 2-6 viên, ngày 2 lần.
Lá sung có tác dụng làm co búi trĩ
Ngoài có tác dụng chữa bệnh sốt, đau nhức,… lá sung còn đẩy lùi triệu chứng ở bệnh trĩ hiệu quả. Chính vì thế, việc dùng lá sung cho trường hợp người bệnh bị đau nhức khó chịu bởi búi trĩ lòi ra là một phương pháp mang đến kết quả ấn tượng.
Để làm giảm khó chịu do triệu chứng co búi trĩ, thực hiện các bước sau:
Bước 1: Bạn lấy các loại lá gồm lá sung, ngải cứu, lá lốt, cúc tần, mỗi thứ 1 nắm, thêm chén nước bồ kết đặc và củ nghệ tươi.
Bước 2: Đem nguyên liệu rửa sạch cùng nước muối rồi thái nhỏ.
Bước 3: Bỏ lá và nghệ đã thái vào nồi, thêm chừng 8 cốc nước đun sôi lên. Sau đó, cho phần nước bồ kết vào đậy kín. Đun nhỏ lửa chừng 10 – 15 phút nữa thì đổ hỗn hợp ra chiếc thau để xông hậu môn.
Lưu ý:
Bạn đừng quên vệ sinh hậu môn bằng nước ấm pha muối trước khi tiến hành. Tiến hành xông bằng nước lá 15 – 20 phút rồi dùng chiếc khăn mềm sạch lau khô, nằm nghỉ ngơi 3 – 4 giờ.
Để đảm bảo phát huy hiệu quả lá sung cũng như sự thuận tiện trong việc chữa bệnh trĩ, bạn nên thực hiện vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Đồng thời, bạn lưu ý không dùng nguyên liệu sát vào nơi hậu môn, dễ làm tổn thương khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn.
Giúp bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại
Trà lá sung có thể dùng để làm trà chữa các bệnh về gan như: nóng gan, thanh nhiệt cơ thể, vàng da,…
Cách để có được một tách trà lá sung ngon và hiệu quả trong việc chữa bệnh về gan, bạn có thể thực hiện theo cách pha dưới đây.
Nguyên liệu:
Chuẩn bị 30 gram lá sung đã được phơi khô.
500ml nước lọc để nấu trà lá sung.
Cách làm:
Bước 1: Cho nước vào ấm và đun sôi.
Bước 2: Khi nước sôi, giảm nhỏ lửa, cho lá sung đã chuẩn bị vào và đun thêm khoảng 5 phút. Sau 5 phút, tắt lửa rồi cho trà ra ngoài để nguội bớt.
Bước 3: Tiến hành lọc lấy nước trà và lá trà thành hai phần riêng biệt sau đó sử dụng.
Lưu ý: Tránh thêm đường, mật ong hoặc các chất tạo ngọt khác.
Lá sung có thế chữa bệnh tiểu đường
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gợi ý rằng mọi người có thể sử dụng các loại cây truyền thống để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận tác dụng bảo vệ gan và giảm glucose của quả sung và lá sung.
Lá sung có tác dụng chữa bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu nhỏ từ năm 1998 cho thấy ở 8 người tham gia, lượng đường sau bữa ăn đã giảm khi họ dùng chất chiết xuất từ lá sung. Những người tham gia nghiên cứu cũng cần liều lượng insulin thấp hơn khi họ bổ sung chiết xuất từ lá sung.
Mỹ Duyên