Cây mùi tàu hay được gọi với tên khác là cây ngò gai. Đây chính là loại rau thơm rất quen thuộc giúp làm tăng hương vị cho nhiều món ăn. Ngoài ra, mùi tàu còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh và đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe.
1. Đặc điểm chung về cây mùi tàu
1.1. Mô tả thực vật
Cây rau mùi là loại cây thân thảo sống hàng năm.
Thân cây mọc đứng có nhiều khía, độ cao trung bình khoảng 15 – 40cm, nhiều lần rẽ đôi.
Lá cây mọc sát đất thành hình hoa thị ở gốc.
Phiến lá dạng hình mác hẹp, thuôn dài, không có cuống.
Mép lá khía tai bèo với nhiều răng có gai khá sắc.
Lá ở trên thân càng lên phía trên ngọn càng ngắn dần, nhỏ dần, có nhiều răng cưa và gai sắc hơn.
Các lá ở trên xẻ 3 – 7 thùy ở chóp cây và có nhiều gai.
Hoa của cây mùi tàu thành đầu hình trụ hay dạng hình trứng. Hoa có màu trắng, mọc thành tán, gồm 5 – 7 lá bắc hình mũi mác dẹt, mỗi bên có 1 – 2 răng và một gai ở chóp.
Quả mùi tàu gần giống hình cầu, hơi dẹt, đường kính khoảng 2mm, chứa nhiều hạt bên trong. Khi già, quả rụng và phát tán hạt.
Toàn thân cây mùi tàu có mùi thơm của tinh dầu.
1.2. Phân bố
Cây mùi tàu có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới ở châu Mỹ. Ở nước ta, cây mùi tàu mọc hoang, phổ biến ở nơi đất ẩm thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc. Cây mùi tàu cũng thường được trồng nhiều trong vườn các gia đình để làm rau gia vị.
2. Rau mùi tàu có tác dụng gì?
Rau mùi tàu có vị hơi đắng, cay, tính ấm và có mùi thơm. Hiện nay chưa có nghiên cứu về quy kinh của cây mùi tàu.
Theo tài liệu Y Học Cổ Truyền cây mùi tàu có tác dụng như:
Rau mùi tàu có tác dụng tiện kỳ, sơ phong thanh nhiệt;
Hành khí tiêu thũng, giảm đau;
Thông khí, giải nhiệt và giải độc;
Kích thích khả năng tiêu hóa, khử mùi hôi.
Theo những nghiên cứu của Y Học Hiện Đại:
Hữu ích cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ chữa đầy hơi và giảm khó tiêu;
Hỗ trợ điều trị một số bệnh da liễu như mụn nhọt, mẩn ngứa hay nám
Kích thích sự bài tiết của thận, đồng thời hạ nồng độ cholesterol trong máu;
Điều trị ho có đờm, cảm mạo, cúm và sốt nhẹ;
Hỗ trợ làm giảm cảm giác nóng rát cũng như sưng đau ở mắt;
Hỗ trợ tốt việc trao đổi chất trong cơ thể.
Rau mùi tàu không chỉ được sử dụng để làm rau gia vị trong bữa ăn hằng ngày mà còn được dùng làm vị thuốc trong điều trị nhiều bệnh. Rau mùi tàu dùng được cả ở dạng tươi hay dạng khô.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà liều lượng rau ngò gai sẽ có sự khác biệt. Khi áp dụng các bài thuốc, bạn cần chú ý tuân thủ đúng liều lượng được khuyến cáo để nhận được kết quả tốt nhất.
Dưới đây là một số bài thuốc chữa trị bởi mùi tàu (ngò gai):
Chữa cảm cúm: Rau mùi 40g, gừng tươi 3 lát, ngải cứu và cúc tần mỗi thứ 20g. Rửa sạch, thái nhỏ, gừng đập dập. Tất cả cho vào ấm sắc với 500ml nước, đến khi còn 100ml thì đổ ra, uống nóng, mỗi ngày 2 lần. Sau khi uống, nằm trong chăn ấm để cho ra mồ hôi, rồi lau khô người.
Chữa cảm mạo: Mùi tàu khô 10g, cam thảo đất 6g. Rửa sạch đổ vào ấm với 300ml nước, đun sôi trong khoảng 15 phút, rồi chia làm 3 lần, uống trong ngày.
Hoặc có thể lấy 20g rau mùi tàu rửa sạch, thái khúc, 30g thịt bò băm nhỏ, vài lát gừng tươi. Đem nấu chín với 400ml nước. Món này ăn nóng. Khi ăn cho thêm ít hạt tiêu.
Chữa sốt nhẹ: 30g mùi tàu, 50g thịt bò thái nhỏ nấu với 600ml nước và vài lát gừng tươi rồi cho thêm ít hạt tiêu, ăn nóng. Sau khi ăn phải đắp chăn kín mít cho ra mồ hồi sẽ hạ được sốt.
Rau mùi tàu giúp long đờm: Khi cảm cúm, sổ mũi, đờm thường ứ đọng trong đường hô hấp gây khó thở và khó chịu cho người bệnh. Dùng rau mùi tàu sắc lấy nước uống để tống phần đờm còn ứ trong cổ họng ra.
Rau mùi tàu trị viêm kết mạc: Chứng viêm kết mạc khiến người bệnh cảm thấy nóng rát và đau nhức. Bài thuốc từ rau mùi tàu giúp làm mất cảm giác này nhanh chóng. Lấy mùi tàu tươi đem phơi trong mát cho khô, sau đó đem đi sắc lấy nước. Dùng phần nước này rửa mắt viêm kết mạc là được.
Rau mùi tàu hạ cholesterol trong máu: Mùi ngò gai có khả năng hạ cholesterol trong máu hiệu quả. Người bị cao huyết áp, mỡ máu, chỉ cần đun một nhúm hạt mùi tàu khô trong nước rồi lọc lấy nước uống. Chờ khi nước nguội thì uống để giúp hạ cholesterol trong máu. Ngoài ra bài thuốc này giúp lợi tiểu và tốt cho thận.
Bài thuốc trị nám da: Một nắm rau mùi tàu tươi. Đem thái vụn nguyên liệu và ngâm vào nước ấm trong vòng 2 tiếng. Lọc bỏ phần bã và dùng nước để thoa đều lên mặt liên tục khoảng 15 – 20 phút. Mỗi ngày áp dụng 2 lần vào sáng sớm và lúc chuẩn bị đi ngủ.
Trị mụn đỏ, mẩn ngứa cho trẻ: Cần 1 nắm ngò gai tươi. Rau ngò giã nát rồi ép lấy nước cốt và bôi trực tiếp lên vùng da cần điều trị. Chú ý đến phản ứng trên da trẻ, nếu có kích ứng thì lập tức rửa sạch ngay.
Chữa hôi miệng: Lấy 1 nắm rau mùi tàu, rửa sạch, sắc đặc, cho thêm vài hạt muối, khuấy tan, dùng để ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày. Sau khoảng 5 – 6 ngày, miệng sẽ bớt mùi hôi.
Trị sỏi thận từ lá mùi tàu: Dùng cây mùi tàu để chữa bệnh sỏi thận có thể loại bỏ được sỏi ra khỏi cơ thể rất hiệu quả mà có thể không cần phẫu thuật được áp dụng phổ biến trong dân gian và rất an toàn. Lá mùi tàu đem hơ lửa cho héo, Bỏ lá mùi tàu vào ấm sắc, đổ 3 bát nước sắc khi nào còn 1 bát thì ngắt bếp. Chia bát nước thành 3 phần uống làm 3 lần trong ngày. Uống trước bữa ăn là tốt nhất. Chú ý dùng bài thuốc này liên tục, đối với nam thì uống 7 ngày, đối với nữ uống 9 ngày. Sau thời gian uống lá mùi tàu, sỏi to sẽ được đào thải ra ngoài thông qua việc đi tiểu còn sỏi nhỏ thì sẽ tự tiêu.
Phụ nữ đang mang thai tránh ăn ngò gai.
Rau mùi tàu trị lở loét lưỡi: Vấn đề lưỡi bị lở loét sẽ khiến bạn khó chịu trong khi ăn uống. Hãy lấy rau mùi và lá húng chanh đem ngâm với nước muối rồi rửa sạch. Sau đó nhai hai loại lá này thật kỹ và nuốt từ từ. Vấn đề lưỡi lở loét sẽ được hạn chế.
Chữa đầy hơi, bụng ậm ạch do ăn nhiều đạm: Rau mùi 50g, gừng tươi 3 lát đập giập. Tất cả rửa sạch sắc với 500ml nước, đến khi còn 200ml chia làm 2 lần, uống nóng, mỗi lần dùng cách nhau 3 tiếng. Dùng liền 3 ngày.
Trị kiết lỵ: Sao vàng 1 nắm hạt mùi tàu sau đó tán nhỏ rồi pha với uống, ngày 2 lần, mỗi lần 7-8g.
* Trị đau bụng, tiêu chảy: Sắc 20g mùi tàu tươi với vài củ sả, ít lá tía tô, lấy nước uống trong ngày.
Lưu ý: Theo kinh nghiệm của người xưa để lại, phụ nữ đang mang thai tránh ăn ngò gai. Người có bệnh bao tử thì nên xay hoặc nấu nước uống tốt hơn là ăn lá tươi, nhất là lá già. Tinh dầu có nhiều trong lá và hạt rau mùi có tính gây kích ứng da, vì vậy những người tiếp xúc thường xuyên với lá và hạt rau mùi cần chú ý mang găng tay khi tiếp xúc. Hạn chế dùng rau mùi cho các bệnh nhân bị hen phế quản hoặc viêm phổi mãn tính.
Vì vậy các bài thuốc trên để bài thuốc phù hợp với thể trạng của từng người mới có hiệu quả thì người bệnh cần được bắt mạch kê đơn ở cơ sở y tế có uy tín.