Cây lá dứa (cơm nếp) có tác dụng gì với sức khỏe?

0
213

Lá dứa (hay còn có tên gọi khác là cây cơm nếp) có mùi thơm mát dễ chịu cùng màu xanh đặc trưng. Nó thường được dùng nhiều trong các món ăn truyền thống Việt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng lá dứa cũng là một loại dược liệu mang lại nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe. 

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về công dụng của lá dứa cũng như cách dùng lá dứa chữa bệnh nhé!

Tổng quan

Tìm hiểu chung về cây lá dứa (cơm nếp)

Lá dứa hay còn có tên là nếp thơm, cây cơm nếp, có tên khoa học Pandanus amaryllifolius, thuộc họ dứa dại (Pandanaceae).

Đây là một loài thực vật thân thảo, thường sinh sống và phát triển tốt ở vùng khí hậu nhiệt đới.

Cây thân dài khoảng 30-40 cm, bề ngang hẹp khoảng 3-4 cm, thường thẳng.

Các phiến lá dứa chụm lại ở giữa, dọc theo đường gân trên thân lá. Mép lá nguyên, mặt trên màu xanh đậm và bóng, mặt dưới màu xanh nhạt hơn, đôi khi có một lớp lông mịn phủ bên dưới bề mặt lá.

Lá dứa thường mọc thành từng bụi trên một thân và rễ, có mùi thơm tương tự mùi cơm nếp, chính vì vậy mà còn được gọi là cây cơm nếp. Đặc biệt, lá dứa càng khô lại càng thơm.

cây lá dứa

Bộ phận dùng của cây lá dứa

Cả thân cây lá dứa được sử dụng để làm thuốc.

Thành phần hóa học trong cây lá dứa

Lá dứa sở hữu hương xạ đặc trưng mà không một loài nào khác thuộc họ Dứa dại có được. Mùi thơm này được tạo thành từ một loại enzyme không bền, dễ bị oxy hoá. Ngoài ra, trong lá dứa cũng có chứa các thành phần khoa học khác như:

  • Nước
  • Glycosides
  • Alkaloid
  • Chất xơ
  • 2-Acetyl – 1 – Pyrroline
  • 3-Methyl-2 (5H) – Furanon
  • Beta-carotene
  • Vitamin C
  • Thiamin
  • Riboflavin
  • Niacin

Tác dụng, công dụng

Lá dứa có tác dụng gì?

Theo những nghiên cứu y dược học hiện đại, lá dứa mang lại nhiều lợi ích như:

  • Hỗ trợ điều trị tiểu đường.
  • Hỗ trợ cải thiện các vấn đề về thần kinh.
  • Gội đầu trị gàu.
  • Hỗ trợ cải thiện tình trạng thấp khớp.
  • Hỗ trợ giải cảm.
  • Chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do gây hại.

Công dụng của cây lá dứa

Theo y học cổ truyền, cây lá dứa thường được dùng để nấu nước xông cho phụ nữ mới sinh con, để giúp làm đẹp da, da dẻ hồng hào và căng mịn.

Ngoài ra, theo dân gian lá dứa cũng được dùng để nhuộm màu tự nhiên cho các món ăn như chè, xôi, cơm và các loại bánh.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của lá dứa là bao nhiêu?

Lá dứa có thể dùng ở dạng tươi hoặc phơi khô. Lưu ý mỗi lần chỉ nên dùng từ 1-2 lá cho vào trà hoặc các món ăn, không nên lạm dụng quá nhiều.

Tìm hiểu thêm về các loại dược liệu khác

Táo đỏ (táo tàu)
Cây rau mương
Cây cỏ xước

Một số bài thuốc có lá dứa

lá dứa có tác dụng gì

Lá dứa được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường, ổn định đường huyết

Bạn lấy một lượng lá nếp thơm vừa đủ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trong bóng râm. Sau đó, bạn nấu nước để uống như trà hằng ngày. Nếu kết hợp được lá dứa khô và cây cỏ sữa nấu chung làm nước uống thì hiệu quả càng sẽ tốt hơn.

Người ta cho rằng chất alkaloid piperidine đã được phân lập và xác định từ lá dứa thơm và vai trò trong hỗ trợ điều trị đái tháo đường dường như có liên quan đến axit 4-hydroxybenzoic. Nó cho thấy tác dụng hạ đường huyết và làm tăng nồng độ insulin huyết thanh và hàm lượng glycogen trong gan.

2. Hỗ trợ điều trị thấp khớp

Bạn chuẩn bị khoảng 3 lá nếp thơm và một bát nhỏ dầu dừa. Phần lá dứa đem rửa sạch, để ráo nước và thái nhuyễn. Phần dầu dừa đun trên lửa nhỏ đến khi nóng thì tắt bếp, cho lá nếp thơm đã thái nhuyễn vào, khuấy đều. Đợi hỗn hợp nguội thì bạn dùng thoa vào vùng khu vực sưng đau.

3. Thanh nhiệt, lợi tiểu

Bạn lấy một vài lá dứa rửa sạch, thái nhỏ, chia thành 2 phần bằng nhau. Một phần xay nhuyễn bằng máy xay với một lượng nước vừa đủ, lọc lấy phần nước cốt.

Phần lá còn lại cho vào nồi đun với lửa nhỏ đến khi sôi, thêm đường phèn vừa đủ, khuấy đều cho tan đường. Tắt bếp, khi nước còn âm ấm thì cho phần nước cốt lá dứa vào, đun tiếp với lừa nhỏ cho đến khi sôi thì tắt bếp. Bạn để nước nguội và uống.

4. Giải cảm, điều trị phong hàn

Bạn lấy lá dứa rửa sạch, đun sôi dùng làm nước xông để giải cảm.

 5. Trị gàu, mảng bám trên da đầu

Bạn lấy khoảng 7 lá dứa, đem rửa sạch, giã nát, rồi sau đó cho thêm một ít nước, khuấy đều, lọc lấy phần nước cốt.

Bạn lấy nước cốt lá dứa này thoa lên da đầu, để yên trong 1 giờ rồi thêm thoa lần nữa, để yên chờ khô rồi gội đầu lại với nước sạch.

Phương pháp gội đầu với lá dứa này có thể áp dụng mỗi ngày đến khi sạch gàu.

6. Hỗ trợ làm dịu cảm giác lo âu, bồn chồn không yên

Người hay lo âu, căng thẳng có thể lấy 1-2 lá dứa to sắc cùng với một ly nước để uống. Chất tanin trong lá dứa có thể làm dịu căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

7. Là nguyên liệu trong ứng dụng đời sống

Chiết xuất của lá được sử dụng như một thành phần trong các chế phẩm mỹ phẩm, hương liệu. Tinh dầu của lá có hoạt tính đuổi côn trùng, chống lại loài gián thông thường. Ngoài ra, chiết xuất còn được sử dụng làm chất bảo quản thực phẩm do đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng lá dứa, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng lá nếp thơm một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo thêm  ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của lá dứa

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng lá dứa dùng điều trị bệnh với hàm lượng lớn trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với lá nếp thơm

Lá dứa có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.