Cỏ hôi chữa bệnh mũi xoang

0
125

Cỏ hôi chữa bệnh mũi xoang


Cây cỏ hôi

Theo các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, cỏ hôi là cây thảo mọc hằng năm, cao chừng 25-50cm. Lá mọc đối, hình trứng, mép có răng cưa tròn. Toàn thân và lá đều có lông. Hoa nhỏ, màu tím hay xanh trắng, xếp thành đầu, các đầu này lại tập hợp thành ngù. Quả bế có ba sống dọc, màu đen. Ra hoa kết quả hầu như quanh năm.

Cây mọc hoang dại trên các bãi hoang, ven đường đi, phổ biến khắp nơi. Thu hái toàn cây bỏ rễ, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô, nhưng thường hay dùng tươi.

Theo Đông y, cỏ hôi có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng và cầm máu. Cành lá vò ra có mùi hôi gây nôn. Thường được dùng làm thuốc chống viêm, chống phù nề, chống dị ứng trong các trường hợp: Sổ mũi, viêm xoang mũi, dị ứng cấp và mạn; Chảy máu ngoài do chấn thương, bị thương sưng đau; Mụn nhọt, ngứa lở, eczema. Liều dùng 15-30g cây khô sắc nước uống, hoặc dùng cây tươi giã lấy nước nhỏ, lá khô tán bột thổi vào hầu họng. Cũng dùng cây tươi giã đắp vết thương chảy máu, mụn nhọt, eczema, hoặc nấu nước tắm chữa ghẻ, chốc đầu của trẻ em.

Cỏ hôi còn được chữa rong huyết sau khi sinh đẻ, dùng phối hợp với bồ kết nấu nước gội đầu cho thơm và sạch gầu, trơn tóc. Ở Ấn Ðộ, người ta dùng nước ép rễ cây để chữa bệnh sỏi thận. Lá làm thuốc săn da, dùng chữa các vết đứt, vết thương và dùng đắp chữa sốt rét.

Nhiều bệnh viện ở nước ta như Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, Bệnh viện Hai Bà Trưng (Hà Nội) từ những năm 1970 đã sử dụng các chế phẩm của Cỏ hôi để điều trị các chứng viêm mũi xoang mạn tính và dị ứng, đã có nghiên cứu nhận xét kết quả như sau:

– Tác dụng tốt trong điều trị viêm mũi xoang mạn tính và viêm mũi xoang dị ứng. Tác dụng kéo dài, làm giảm ngạt mũi, giảm viêm, giảm tiết dịch, giảm hắt hơi và sổ mũi nhức đầu. Trong điều trị viêm mũi xoang dị ứng, các chế phẩm này có khả năng thay thế cortison.

– Tác dụng kém với viêm mũi và viêm xoang có mủ đặc, kể cả cấp tính và mạn tính.

– Không gây tác dụng phụ gì đối với cơ thể người bệnh, trừ tác dụng gây sốt trong thời gian ngắn khi nhỏ mũi.

Ðơn thuốc:

– Chữa viêm xoang, viêm mũi dị ứng hay viêm tai: Giã lá hoa cỏ hôi tươi vắt lấy nước, tẩm bông bôi vào mũi bên đau hoặc ngoáy trong lỗ tai. Cũng có thể dùng cành lá khô sắc nước xông mũi và uống.

– Bạch hầu, đau họng: cỏ hôi tươi 30-60g, rửa sạch, giã vắt nước, hòa đường cát uống, ngày 3 lần. Hoặc lấy lá sấy khô, tán bột, thổi vào hầu họng.

– Mụt nhọt, lở loét: cỏ hôi tươi rửa sạch, trộn cơm rượu và chút muối ăn, giã nhuyễn đắp lên.

– Nhọt sảy mưng mủ chưa vỡ: cỏ hôi tươi, thêm đường vàng, giã đắp.

– Cảm mạo phát sốt, sốt rét: cỏ hôi 60g, sắc uống, ngày 2 lần.

– Vết thương chảy máu: cỏ hôi vừa đủ, rửa sạch, giã đắp.

– Chữa phụ nữ rong kinh sau khi đẻ: cỏ hôi tươi 30-50g, rửa sạch, giã nhỏ, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống.

– Băng huyết rong kinh, mụt nhọt sưng đỏ, loét miệng: cỏ hôi 20g, sắc uống.

– Viêm khớp đau nhức, gãy xương (đã cố định): cỏ hôi tươi giã nhuyễn bó vào chỗ đau.

– Gân xương trặc trẹo, sưng đau: cỏ hôi khô 1 nắm lớn cho vào lò đốt, xông khói vào chỗ đau.