Công dụng chữa bệnh của bồ kết ít người biết

0
590

Bồ kết được biết đến là loại dược liệu có công dụng làm sạch gàu, giúp tóc chắc khỏe và mềm mại… Tuy nhiên bồ kết còn có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về công dụng của bồ kết với sức khỏe.

Đặc điểm của cây bồ kết

Cây bồ kết còn được gọi là chùm kết, tạo giác, trư nha tạo giác, có tên khoa học là Fructus Gleditschiae – thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae). Các bộ phận trên cây được sử dụng làm dược liệu bao gồm quả, hạt, gai bồ kết và có đặc điểm như sau:

Quả bồ kết được gọi là tạo giác (Fructus Gleditschiae): Được thu hái khi chín khô, quả được sử dụng làm thuốc cần loại bỏ hạt và có thể dùng sống hoặc tẩm nước cho mềm sau đó sấy khô, trong một số trường hợp có thể đốt thành than hoặc tán thành bột.

Quả có tính ôn, vị cay mặn, chứa 10% hoạt chất saponin màu vàng, saponin australozit, saponin gleditsia B-G và 5 chất flavonoit gồm homorientin, inteolin, vitestin, saponaretin, và orientin. Các hoạt chất này có công dụng diệt siêu vi trùng, trùng roi âm đạo;

Hạt bồ kết được gọi là tạo giác tử (Semen Gleditschiae): Được lấy ra từ quả bồ kết chín đã được sấy khô hoặc phơi. Hạt bồ kết có tính ôn, vị cay và tác dụng tán kết, thông đại tiện, trị mụn nhọt.

Gai bồ kết được gọi là tạo thích (Semen Gleditschiae): Là bộ phận được thu hái ở thân cây, sau khi thu hoạch được đem phơi, sấy khô hoặc thái mỏng rồi đem phơi, sấy khô. Gai bồ kết có tính ôn, vị cay và chứa hoạt chất có công dụng làm thông sữa, tiêu ung độc, xẹp mưng mủ, sát trùng.

cong dung chua benh cua bo ket it nguoi biet hinh anh 1

Bồ kết có nhiều công dụng với sức khỏe

Công dụng của bồ kết

Báo điện tử VTV News dẫn nguồn cuốn sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” (NXB Khoa học và Kỹ thuật) cho biết, quả bồ kết vị cay, mặn, tính ôn, có tác dụng thông khiếu (khiếu là các lỗ tự nhiên trên cơ thể), khử đờm, tiêu thũng và có tiểu độc.

Trong y học hiện đại, một số bệnh viện dùng bồ kết để chữa bí đại tiện, trung tiện sau khi mổ, chứng tắc ruột với cả người lớn và trẻ em.

Quả bồ kết còn được dùng trong các trường hợp trúng phong, hôn mê bất tỉnh, cấm khẩu, hen suyễn, mụn nhọt, viêm tuyến vú hay đau nhức răng.

Thậm chí, bên cạnh công dụng chữa bệnh, quả bồ kết còn được dùng để giặt quần áo len, dạ, các loại lụa có màu, giúp áo quần không bị hoen ố và không phai màu.

Ngoài quả bồ kết, hạt bồ kết hay gai bồ kết cũng có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Theo đó, hạt bồ kết vị cay, tính ôn, có tác dụng nhuận táo, thông đại tiện bí kết (chứng phân chứa ở đường ruột quá lâu, thời gian bài tiết quá dài, thông thường từ 4 đến 7 ngày trở lên mới đại tiện một lần) và tiêu độc.

Hạt bồ kết có thể chữa đại tiện tháo kết, lỵ mãn tính, đại tiện mót rặn, lao hạch hay ung độc. Liều dùng là từ 4,5 đến 9g một ngày, sắc nước uống hoặc dùng ở dạng hoàn tán.

Gai bồ kết thì có vị cay, tính ôn, có tiểu độc, có tác dụng tiêu thũng, bài nùng, sát trùng, khử phong. Công dụng của gai bồ kết là chữa mụn nhọt và tuyến vú sưng đau.

Các bài thuốc chữa bệnh từ bồ kết

Bài viết của Lương y Hoàng Duy Tân trên Báo Sức khoẻ & Đời sống chia sẻ các bài thuốc từ bồ kết như sau:

Trị trẻ nhỏ bị chốc đầu, rụng tóc: bồ kết đốt ra than, tán nhỏ rửa sạch vết chốc, rồi đắp than bồ kết lên.

Trị trẻ nhỏ chốc đầu, lở ngứa do nấm: ngâm bồ kết vào nước nóng rửa sạch chỗ tổn thương, sau đó lấy bột bồ kết đã đốt tồn tính tán bột rắc vào.

Trị sâu răng, nhức răng: quả bồ kết tán nhỏ, đắp vào chân răng, nếu chảy nước dãi thì nhổ đi; hoặc dùng bột bồ kết đốt tồn tính nhét vào chân răng.

Trị nhức răng, sâu răng: lấy quả bồ kết nướng cháy đen, bẻ vụn rồi ngâm với rượu trắng (1 phần bồ kết, 4 phần rượu). Để qua 1 ngày, 1 đêm rồi mang thuốc này ra ngậm, nhổ đi rồi lại ngậm, làm vài ngày là khỏi.

Trị nghẹt mũi, khó thở hoặc viêm xoang: đốt quả bồ kết, xông khói vào mũi, mũi sẽ thông và dễ thở hơn.

Thông mũi, tỉnh não: hãm nước từ trái bồ kết tươi hoặc phơi khô nghiền nhỏ và pha nước uống, hương vị và mùi thơm của bồ kết có tác dụng thông tắc mũi, ngạt mũi, thông khí, sảng khoái tinh thần.

Trị ho: bồ kết 1g, quế chi 1g, đại táo 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.

Hỗ trợ giảm đường huyết: trong trái và gai bồ kết có một số chất giúp hạ đường huyết rất hiệu quả, tuy không có tác dụng mạnh và giảm đường huyết nhanh như công dụng của insulin, nhưng nó có thể giúp bệnh nhân giảm một cách từ từ, ổn định mà không gây ra tụt huyết áp quá đột ngột.

Trong chất keo của hạt bồ kết tươi có chứa một số chất protein, đường tự nhiên, glycosid… giúp chất xơ hòa tan và những chất ổn định đường huyết.

Người bị bệnh đái tháo đường có thể dùng tươi hoặc phơi khô trái bồ kết hãm nước rồi uống dần giúp trị bệnh đái tháo đường. Trong khi uống hàng ngày cần lưu ý lượng đường huyết để có liều lượng phù hợp.

Trị phụ nữ sưng vú: gai bồ kết thiêu tồn tính 40g, bạng phấn 4g. Hai vị đều tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 4g.

Phòng bệnh cho sản phụ: lấy 1 chậu than củi đốt cháy đỏ rồi rải 1 lượt quả bồ kết cùng 1 ít muối cho sản phụ xông.

Trị kiết lỵ kéo dài không khỏi: dùng 50g hạt bồ kết sao vàng hơi sém, tán thành bột mịn, trộn với hồ nếp, hoàn viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 10 – 12 viên, chia làm 2 lần sáng, chiều.

Trị bí đại tiện: lấy 3 – 6g hạt bồ kết sắc đặc rồi uống.

Trị bí đại tiện: lấy 200 hạt bồ kết không mọt, không sâu, tẩm sữa rang vàng, tán nhỏ mịn, hòa với mật, làm thành viên to bằng hạt đậu to, mỗi lần uống 30 viên sau bữa ăn khoảng 30 phút.

Trị bí đại tiện, tắc ruột hoặc bụng trướng sau mổ không trung tiện được, hoặc phù ứ nước: dùng bồ kết đốt tồn tính tán bột, trộn với dầu đậu phộng hoặc dầu mè tẩm vào bông để vào trong hậu môn, làm vài lần sẽ trung tiện được và thông đại tiện.

Trị trẻ nhỏ bị đầy bụng: đốt quả bồ kết trên bếp than, hứng khói vào bàn tay hoặc lá trầu rồi ép vào bụng trẻ.

Hỗ trợ tiêu hóa: trong thành phần của trái bồ kết có chứa nhiều chất protein, vitamin E, glycosid (một loại có tính chất tẩy rửa nhẹ giống như thuốc xổ). Glycosid hơi độc nhưng lại có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, tăng lực co bóp cho trực tràng, dạ dày và ruột non, giúp việc hấp thụ thức ăn, hòa tan các chất xơ được diễn ra dễ dàng.

Vì vậy, bồ kết được dùng để trị một số bệnh về đường tiêu hóa, kiết lỵ, trẻ con bị đầy hơi, chống rối loạn tiêu hóa có hiệu quả khá tốt.

Trị trĩ: lấy 15 quả bồ kết cho vào nửa xô nước đun sôi kỹ rồi đổ ra chậu, đợi đến khi nước bớt nóng, có thể thò tay vào được thì cho người bệnh ngồi vào chậu để ngâm. Đến khi nước nguội thì lấy tay đẩy búi trĩ cho thụt vào và băng lại để giữ.

Đồng thời lấy 5 quả bồ kết tẩm sữa nướng giòn, tán nhỏ mịn, hòa với mật, đường đặc cho vừa dẻo. Viên hỗn hợp trên thành từng hạt như hạt đậu, mỗi ngày uống 20 viên, uống hết chỗ thuốc đó thì thôi.

Trị giun kim: dùng bồ kết đốt tồn tính tán bột, trộn với dầu đậu phộng hoặc dầu mè tẩm vào bông để vào trong hậu môn, làm vào buổi tối, liên tiếp 3 ngày, mỗi ngày một lần.

Trị mụn nhọt sưng tấy, đau nhức: dùng 4 – 8g gai bồ kết sắc uống mỗi ngày.

Trị quai bị: lấy một lượng vừa đủ quả bồ kết, đốt thành than, tán bột mịn, trộn với dấm thanh. Lấy bông thấm thuốc này đắp lên chỗ quai bị, khoảng 20 – 30 phút lại thay thuốc 1 lần.

Trị trứng cá, tàn nhang: lấy 1 chén nhỏ hạt bồ kết, 40g hạnh nhân, hai thứ đem tán mịn. Buổi tối gần đi ngủ thì lấy 1 thìa hỗn hợp trên pha ít nước cho sền sệt rồi bôi lên chỗ có trứng cá, tàn nhang. Sáng dậy rửa sạch.

Trị ghẻ lở lâu năm: lấy khoảng 10 quả bồ kết nhét vào dạ dày heo (đã rửa sạch), buộc kín và nấu chín. Sau đó bỏ bồ kết và ăn hết dạ dày heo. Sau khi uống thuốc này, bệnh nhân sẽ bị đi ngoài lỏng nhưng không có gì đáng ngại.

Trị mụn nhọt bọc không vỡ mủ: gai bồ kết 5 – 10g nấu nước uống. Có thể phối hợp gai bồ kết với kim ngân hoa, cam thảo, mỗi vị 2- 8g, sắc nước uống.

Trên đây là những công dụng của bồ kết đối với sức khoẻ. Như vậy không chỉ tốt cho tóc mà bồ kết còn mang lại rất nhiều công dụng hữu ích khác.