Núc nác: Vị thuốc có nhiều công dụng

0
662

Núc nác là một loại cây rừng có sức sống cao. Ngoài ra, đây còn là một vị thuốc được dùng trong dân gian với rất nhiều công dụng. Núc nác có thể chữa viêm gan vàng da, giúp thanh nhiệt giải độc, trị mẩn ngứa, chữa viêm phế quản… Để tìm hiểu công dụng, cách dùng và những điều cần biết về cây Núc nác, xin mời bạn đọc trong bài viết sau.

1. Mô tả

Núc nác còn có tên gọi là Nam hoàng bá, Mộc hồ điệp, Ngúc nác. Tên khoa học là Oroxylum indicum (L.) Kurz – Bignonia indica L., thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae).

1.1. Cây Núc nác

Cây nhỡ, cao 8 – 10 m, có khi hơn. Thân nhẵn, ít phân cành, có những sẹo to do lá rụng để lại. Vỏ cây màu xám tro, mặt trong màu vàng nhạt. Lá to, mọc đối, xẻ 2 – 3 lần lông chim, dài đến 1,5 m, tập trung ở ngọn thân. Lá chét hình bầu dục, nguyên, dài 6,5 – 14 cm, rộng 3,5 – 8 cm. Gốc tròn, hơi lệch, đầu nhọn, mặt dưới nhẵn hoặc hơi có lông. Cuống lá kép hình trụ, mập.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùm, cuống mập, thẳng, dài 40 – 80 cm, mang nhiều sẹo rõ ở phía dưới. Lá bắc nhỏ. Hoa to màu nâu đỏ sẫm, dài hình chuông, hơi phình ở bọng. 5 cánh hoa hàn liền chia 2 môi, mép nhăn nheo có răng cưa, cong gập xuống. Nhị 5 (4 cái đều và 1 cái hơi ngắn hơn), chỉ nhị có lông mịn ở gốc, bầu thuôn, dài.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Cận cảnh hoa Núc nácCận cảnh hoa Núc nác
Quả nang, dẹt và cong, dài 50 – 80 cm, rộng 5 – 7 cm, khi chín nứt làm 2 mảnh. Hạt rất nhiều hình bầu dục, cứng, có cánh mỏng bao quanh.

1.2. Phân bố

Núc nác thuộc loại cây gỗ mọc nhanh, thường thấy ở ven rừng núi đá vôi, rừng thứ sinh, đất sau nương rẫy và dọc theo hai bên bờ thượng nguồn các dòng sông (Hồng, Chảy, Gâm…). Cây ưa mọc trên đất tơi xốp có tầng đất mặt sâu, dễ thấm nước. Tại các tỉnh miền Trung, Núc nác mọc được ở cả trên loại đất pha cát của vùng ven biển. Cây có khả năng chịu hạn và chịu nóng tốt.

Khi bị cháy rừng, cây có thể tồn tại do có lớp vỏ thân dày và hệ thống rễ phát triển. Núc nác hoa quả hằng năm, tuy nhiên tỉ lệ hoa đậu quả chỉ khoảng 10 – 30%. Hạt Núc nác có cánh màng, phát tán xa nhờ gió. Tuy nhiên, chỉ có một số ít hạt nảy mầm khi rơi được xuống mặt đất; còn phần lớn bị mắc trên cành cây hoặc đám cỏ không có cơ hội nảy mầm. Phần gốc thân khi bị chặt có thể tái sinh cây chồi.

Nguồn Núc nác ở Việt Nam tương đối dồi dào. Các tỉnh có trữ lượng lớn hiện nay là Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa…
Quả vừa là vị thuốc, vừa có thể dùng chế biến món ăn

Quả vừa là vị thuốc, vừa có thể dùng chế biến món ăn

2. Thu hái và bào chế

2.1. Thu hái

Vỏ thân và hạt. Vỏ thân thu hái khi cần thiết, phơi khô hoặc cạo lớp vỏ sần rồi thái phiến dài 2 – 5 cm, dày 1 – 3 mm phơi khô. Khi dùng để nguyên hoặc sao nhỏ lửa cho vàng. Hạt thu hái ở quả núc Nác chín vào mùa thu đông, phơi khô.

2.2. Bào chế

Khi dùng có thể trích với muối ăn (Núc nác 10 kg, Muối ăn 400 g, nước sôi để pha vừa đủ). Ngâm tẩm Núc nác với nước muối trong 30 phút cho ngấm hết muối, rồi dùng lửa nhỏ sao cho có màu đen.

3. Thành phần hoá học

Vỏ và hạt chứa một hỗn hợp flavonoid và chất đắng kết tinh là oroxylin. Vỏ chứa baicalein và chrysin. Hạt cũng chứa oroxylin và một chất dầu chứa 80,40% acid oleic, acid palmitic, acid stearic và acid lignoceric. Vỏ rễ chứa chrysin, baicalein, biochanin-A, và acid ellagic.

>> Bạn có thể quan tâm: Xạ can: Vị thuốc quý trị ho, viêm họng.
Hạt Núc nácHạt Núc nác

4. Tác dụng dược lý

Một trong các thành phần chính của Núc nác là Oroxin A. Oroxin A là một hợp chất có độc tính thấp đã làm giảm 66,7% nguy cơ tiến triển từ tiền tiểu đường sang tiểu đường mà không gây tăng cân hoặc nhiễm độc gan. Oroxin A cũng cải thiện các biến chứng của tiền tiểu đường, chẳng hạn như rối loạn chuyển hóa lipid và chấn thương gan. Nó cũng thể hiện một hoạt động ức chế chống lại α-glucosidase và khả năng chống oxy hóa.

Vỏ rễ Núc nác cho thấy hoạt động bảo vệ tim mạch rõ rệt, có thể là do sự hiện diện của các hợp chất chống oxy hóa hoạt động hiệp đồng.

Chiết xuất Núc nác bảo vệ tế bào thần kinh của con người – tế bào SH ‑ SY5Y chống lại β‑amyloid gây ra tổn thương tế bào.

5. Công dụng và liều dùng

5.1. Công dụng

Hạt dùng trị: viêm họng cấp và mạn tính, khan cổ; viêm phế quản cấp và ho gà; đau vùng thượng vị, đau sườn.

Vỏ được dùng trị: viêm gan vàng da, viêm bàng quang, viêm họng, khô họng, ho khan tiếng, trẻ em ban trái, sởi. Nó cũng dùng chữa dị ứng sơn, trị bệnh vẩy nến, hen phế quản trẻ em.

Ở Ấn Độ, người ta dùng vỏ rễ trị tiêu chảy, lỵ, vỏ thân làm thuốc bổ đắng và trị tê thấp cấp tính. Quả non lợi trung tiện và lợi tiêu hoá. Hạt để xổ và làm thuốc trị rắn cắn.
Dược liệu có nhiều công dụngDược liệu có nhiều công dụng

5.2. Liều dùng

Liều dùng: 1,5 – 3 g hạt, 15 – 30g vỏ, dạng thuốc sắc. Có thể nấu thành cao hay chế dạng bột. Dùng ngoài nấu nước rửa hoặc dùng cao bôi.

6. Bài thuốc kinh nghiệm

Ho lâu ngày: 5 – 10 g hạt, sắc nước hoặc tán bột uống.

Lở do dị ứng sơn: vỏ Núc nác nấu cao, dùng uống và bôi vào chỗ lở.