Những hành vi trong vô thức tưởng không vấn đề gì lại có thể phá hủy chất lượng giấc ngủ của bạn.
Vào buổi đêm khi đang ngủ chợt bị tỉnh giấc là tình trạng mà nhiều người đã từng trải qua. Lúc này, trong tiềm thức, bạn có thể với tay lấy điện thoại để xem giờ, hoặc có thể đứng dậy vào bếp uống một cốc nước vì nghĩ rằng điều này có thể giúp mình chìm lại vào giấc ngủ nhanh hơn. Tuy nhiên, những hành động tưởng chừng như vô hại này thực chất lại có thể là “thủ phạm” vô hình ảnh hưởng đến giấc ngủ sau đó và thể trạng của chúng ta vào ngày hôm sau. Vậy tại sao các chuyên gia khuyên không nên xem giờ, uống nước khi thức dậy lúc nửa đêm?
Vì sao chúng ta bị tỉnh giấc giữa đêm?
Cơ thể con người có một cơ chế bên trong gọi là đồng hồ sinh học hay nhịp sinh học, điều khiển chu kỳ ngủ – thức của mỗi người. Nhịp điệu này ảnh hưởng đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ của chúng ta, thường được chia thành giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) và giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM). Trong một chu kỳ giấc ngủ điển hình, một người trải qua nhiều giai đoạn ngủ REM và NREM. Chính những thay đổi mang tính chu kỳ này đôi khi khiến chúng ta phải thức giấc giữa đêm.
Ngoài cơ chế sinh lý, môi trường bên ngoài và trạng thái tâm lý cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tính liên tục của giấc ngủ ban đêm. Ví dụ, tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng và nhiệt độ không thích hợp có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ và khiến bạn bất ngờ thức giấc. Đồng thời, căng thẳng, lo lắng hay suy nghĩ quá nhiều trong ngày cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Vì sao không nên xem giờ?
Khi thức dậy vào đêm khuya, phản ứng đầu tiên của nhiều người là xem giờ. Mặc dù hành vi này có vẻ vô hại nhưng thực tế nó có tác động sâu sắc đến chất lượng giấc ngủ. Nghiên cứu khoa học cho thấy khi chúng ta thức dậy vào ban đêm, não ở trạng thái nửa lơ lửng, việc xem giờ vào lúc này sẽ nhanh chóng kích hoạt hoạt động suy nghĩ của não, khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ trở lại.
Không chỉ làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên, hành vi này còn có thể gây ra lo lắng và căng thẳng. Sau khi biết thời gian cụ thể, mọi người thường bắt đầu tính toán thời gian ngủ còn lại, trạng thái tinh thần “đếm ngược” này sẽ làm tăng gánh nặng tâm lý và ảnh hưởng đến chất lượng cũng như độ sâu của giấc ngủ. Ví dụ, khi bạn nhận thấy mình chỉ còn nửa tiếng là phải dậy đi làm, sự lo lắng của bạn sẽ tăng lên đáng kể, khiến não bộ hoạt động quá mức và khó quay lại trạng thái ngủ sâu.
Về mặt sinh lý, việc kiểm tra đồng hồ vào ban đêm, đặc biệt là thông qua các thiết bị điện tử, gây ra sự tiếp xúc với ánh sáng xanh, ức chế sản xuất melatonin, một loại hormone quan trọng điều chỉnh chu kỳ ngủ – thức. Kết quả là hành vi này càng làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ và kéo dài thời gian chìm vào giấc ngủ.
Vì sao không nên uống nước?
Mặc dù việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là điều quan trọng nhưng uống nước khi thức dậy vào ban đêm có thể không phải là lựa chọn tốt nhất.
Đầu tiên, uống nước có thể dẫn đến đi tiểu thường xuyên vào ban đêm và con người phải thức dậy để đi vệ sinh, làm gián đoạn giai đoạn ngủ sâu và giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh). Những giai đoạn ngủ này rất quan trọng cho sự phục hồi của não và cơ thể, và việc làm gián đoạn chúng sẽ ảnh hưởng đến chức năng phục hồi của giấc ngủ, từ đó ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần vào ngày hôm sau.
Uống nước vào ban đêm cũng có thể cản trở nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể bạn. Ví dụ, uống quá nhiều nước vào ban đêm dẫn đến mất cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể, đặc biệt là về cân bằng natri và kali. Sự mất cân bằng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của tim và thận.
Bên cạnh việc nên tránh làm hoạt động khác khi thức giấc giữa đêm, các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người nên điều chỉnh thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh. Uống caffeine và rượu, đặc biệt là trước khi đi ngủ, có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ và tăng số lần thức giấc vào ban đêm. Tương tự, việc thiếu các hoạt động vận động vào ban ngày hoặc ngủ trưa quá nhiều cũng có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.