VTV.vn – Con cua đồng trong y học dân gian là bài thuốc giúp trẻ cứng cáp, chóng biết đi; chữa gãy xương, bong gây; chữa vết thương lở loét, đau nhức và nhiều căn bệnh khác.
Hình minh họa (Ảnh: Shutterstock)
Cua đồng là loài vật quen thuộc gắn với hình ảnh làng quê Việt Nam, gắn với tuổi thơ của bao thế hệ người Việt. Sẽ khó ai quên được những buổi chiều tà cùng chúng bạn đi mò cua, bắt ốc hay những trưa nắng chói chang theo mẹ ra đồng “Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”. Canh cua đồng cũng là món ăn ưa thích đối với người dân Việt Nam bởi vị ngọt thanh, đậm đà của nó.
Quen thuộc và thân thương tới vậy, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng cua đồng cũng là một dược liệu dân gian hữu ích với công dụng chữa được rất nhiều loại bệnh.
Trong cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật), Giáo sư Đoàn Thị Nhu, Phó Giáo sư Phạm Duy Mai và PGS.TSKH Đỗ Trung Đàm đã tập hợp rất nhiều bài thuốc từ y học dân gian trong nước và quốc tế, chỉ rõ sự hữu ích của cua đồng đối với việc điều trị bệnh cho con người.
Theo đó, cua đồng có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, hơi độc, có tác dụng tán kết, hoạt huyết, hàn gắn xương.
Trong kinh nghiệm dân gian, để bồi dưỡng cho trẻ nhỏ cứng cáp, chóng biết đi, người ta dùng cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, chỉ lấy mình cua rang nhỏ lửa cho vàng và khô. Sau đó giã nhỏ, rây lấy bột mịn. Hàng ngày, dùng bột cua quấy với bột gạo cho trẻ ăn, mỗi lần từ 1 – 2 thìa nhỏ.
Ngoài ra, cua đồng còn được dùng trong những trường hợp như vết thương lở loét, đau nhức, gãy xương, bong gân, tâm trạng bồn chồn, kém ăn, mất ngủ hay bệnh hở thóp ở trẻ nhỏ. Các bài thuốc cụ thể như sau:
– Chữa vết thương lở loét, đau nhức: cua đồng (2 con) giã nát, hòa với một chén rượu trắng, đun sôi, rồi gạn uống, bã đắp vào chỗ đau.
– Chữa gãy xương: cua đồng ướp muối đem giã nhỏ, đắp vào chỗ xương gãy, băng nẹp bằng cành dâu trong 3 ngày. Tiếp đó, lấy một noãn lá cau non giã nhuyễn với một nắm xôi hoặc cơm nếp và đắp, cứ hai ngày thay thuốc một lần trong 4 ngày. Rồi lấy 1 nắm lá si, một nắm lá sở, rửa sạch, giã nát, trộn với lòng trắng trứng, đắp băng trong vòng 2 ngày. Làm như vậy 3 lần.
– Chữa bong gân: chân cua đồng (100g), vỏ thân cây gạo (100g), lá đinh lăng (200g) giã nhỏ, trộn với bột tô mộc (50g), bột đinh hương (20g) rồi đắp, băng lại. Mỗi ngày làm một lần.
– Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: cua đồng bỏ mai, yếm, rửa sạch, giã nhuyễn. Thêm nước, gạn hay lọc rồi nấu với rau rút, khoai sọ, ăn trong ngày. Dùng từ 2 – 3 ngày.
– Chữa hở thóp ở trẻ nhỏ: cua đồng giã nát với bạch cập, đắp cho đến khi thóp kín. Khoảng vài ngày thay thuốc một lần.
Sách thuốc cổ còn ghi cua đồng chữa mụn nhọt, lở sơn (loại bệnh lở loét do dị ứng sau khi tiếp xúc với cây sơn), sốt rét và bệnh vàng da. Lấy chân cua giã nhỏ, đắp và ngậm là bài thuốc chữa chân răng sưng đau, có mủ (lưu ý không được uống). Gạch mai ở cua đồng đắp chữa lở sơn.
Ở nước láng giềng Trung Quốc, người ta dùng cua đồng tươi nấu cháo ăn nóng để chữa chướng bụng, chứng phù tim. Bài thuốc với công thức cua đồng 250g nấu canh với vỏ cây dâu (50g) lại trị bệnh viêm thận cấp. Mai cua sao vàng tán bột, dùng riêng, uống mỗi lần 5 – 10g với rượu nếp thì có tác dụng phòng tránh thai, chữa đau bụng sau khi đẻ; nếu phối hợp với vảy tê tê (10g), gai bồ kết (7 cái) tán bột, uống với rượu lại là thuốc chữa sưng tấy.
Theo tài liệu nước ngoài, hai nhà nghiên cứu ở khoa động vật và vi sinh trường đại học Reading (Anh) đã phát hiện trong tế bào gan cua có những hạt nhỏ li ti chứa calci phosphate mà khi tiếp xúc với dung dịch muối sẽ biến thành xương. Họ đã thí nghiệm cho những hạt này tiếp xúc với dịch cơ thể (máu) và cũng thấy có hiện tượng tương tự. Họ cũng đã thành công trong việc tổng hợp những hạt này để ứng dụng vào việc hàn xương gãy cho con người.
Tuy nhiên, khi tiến hành làm theo các bài thuốc có cua đồng, người dân cũng nên lưu ý một số điều sau:
– Không dùng loại cua đồng mắt đỏ, có lông ở bụng, có chấm ở lưng và có khoang ở chân.
– Không nên uống nước cua sống để tăng sức dẻo dai trong các cuộc thi đấu vật như tập quán của nông dân ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang hoặc chữa ngộ độc sán hay bị ngã ứ huyết như có sách đã nêu, vì cua đồng là vật trung gian nguy hiểm có thể mang ấu trùng gây bệnh sán lá phổi.
CHỮA GÚT + THOÁI HOÁ CỘT SỐNG