Dâm bụt: Một loại hoa/cây cảnh, đồng thời là vị thuốc hay

0
397

Dâm bụt là một loại cây khá đẹp được trồng làm cảnh phổ biến ở khắp châu Á, đồng thời còn là một vị thuốc hay được đánh giá rất cao về tác dụng điều trị bệnh.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Dâm bụt.

Tên gọi khác: Bông bụt, Hồng bụt, Bụp (miền Nam), Xuyên can bì, Mộc can…

Tên khoa học: Hibiscus rosa-sinensis L. thuộc họ Bông (Malvaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Dâm bụt là một loại cây nhỏ cao 1 – 2m hoặc cây nhỡ cao 4 – 5m. Thân hình trụ, tròn, nhẵn, màu nâu xám. Lá đơn, móc so le, có cuống dài, hình bầu dục, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa to, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhẵn, có lá kèm hình chỉ dài và nhọn.

Hoa to, mọc đơn độc ở kẽ lá, có cuống dài, lưỡng tính, màu đỏ, tiểu đài có 6 – 7 mảnh hình chỉ. Đài gồm 5 lá đài, màu lục dính vào nhau thành hình ống. Tràng có 5 cánh, rời nhau, phiến rộng, mỏng hẹp. Bộ nhị đơn gồm nhiều nhị dính liền nhau bởi chỉ nhị thành một ống dài mang những bao phấn, 5 lá noãn dính nhau thành một bầu thượng 5 ô, mỗi ô chứa hai dây noãn theo kiểu noãn trung trụ. Vòi dài nằm trong ống nhị, đầu nhụy có 5 núm.

Quả nang tròn, chứa nhiều hạt.

cây dâm bụtCây Dâm bụt

Phân bố, thu hái, chế biến

Dâm bụt được trồng khắp nơi ở Châu Á. Tại Việt Nam, Dâm bụt được trồng để làm cảnh ở vườn nhà, công viên hoặc trồng dày làm hàng rào. Đây là loài cây ưa sáng, ưa ẩm, có khả năng tái sinh mạnh, có thể nhân giống bằng giâm cành hoặc gốc ghép.

Cây Dâm bụt được thu hái quanh năm. Các bộ phận thu hái về được rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc sao trước khi dùng (vỏ rễ).

Bộ phận sử dụng

Lá tươi, vỏ thân, vỏ rễ và hoa cây Dâm bụt được dùng làm thuốc.

Thành phần hoá học

Lá Dâm bụt chứa chất nhầy, ester, acid acetic, β-sitosterol, caroten.

Hoa Dâm bụt chứa flavonoid (quercetin, kaempferol, cyanidin-3,5-diglucosid, cyanidin-3-sophorosid-3-glucosid), alcaloid I và II, vitamin (thiamin, riboflavin, acid ascorbic, beta caroten), chất nhầy…

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Dâm bụt có vị ngọt, hơi đắng, nhớt, tính bình, quy kinh thân, có tác dụng:

Thanh nhiệt;

Tiêu viêm;

Lợi tiểu;

Chỉ huyết;

Giải độc;

Cổ tinh;

Sát trùng.

Dâm bụt được dùng để điều trị viêm niêm mạc dạ dày – ruột, đại tiện ra máu, kiết lỵ, mất ngủ, khô khát (đái tháo đường), bạch lỵ, bạch đới, mộng tinh, mụn nhọt, lỡ ngứa, sưng tấy. Ngoài ra, Dâm bụt còn được sử dụng ở một số quốc gia khác để làm thuốc điều kinh (Trung Quốc, Philippin, Ấn Độ, Malaysia, Quata), kích thích xổ nhau thai sau khi sinh (Malaysia), điều trị ho, viêm họng (Malaysia, Nepal, Haiti), điều trị bệnh lậu (Malaysia, Quata)…

Theo y học hiện đại

Trong điều trị tăng huyết áp

Cao chiết với ethanol 50% của các phần trên mặt đất của cây Dâm bụt có tác dụng hạ huyết áp trên mèo.

Trong điều trị đau, sốt

Cao chiết với ethanol của lá Dâm bụt có tác dụng giảm đau, hạ sốt và ức chế thần kinh trung ương trên chuột nhắt hoặc chuột cống trắng.

Dùng trong tránh thai

Các thử nghiệm với liều lượng khác nhau trên các giống chuột khác nhau cho thấy cao chiết với benzen của hoa Dâm bụt có tác dụng chống làm tổ sau giao hợp. Tác dụng này có được do hoạt tính kháng estrogen giúp làm giảm trọng lượng các tuyến sinh dục, làm ngừng chu kỳ sinh dục và gây biến đổi, teo các tuyến ở tử cung và âm đạo.

Trong điều trị rụng tóc từng vùng

Trrong một thử nghiệm lâm sàng điều trị bệnh rụng tóc từng vùng, đã cho bệnh nhân dùng thuốc gội đầu làm từ Dâm bụt, Sapidus trifoliatus, Origanum vulgare, Me rừng, Đa tròn lá, dầu chải tóc làm từ Dâm bụt, Cam thảo dây, Nhọ nồi, Clitoria terneata trong dầu vừng; và uống thuốc sắc từ Xuyên tâm liên, Tiểu hồi, Piccrorrhiza kurroa, Sena indica, Carum copocum ptychotis, có 80% bệnh nhân (gồm cả nam và nữ, 10 – 45 tuổi, bệnh căn khác nhau) sau 6 tháng điều trị đã đạt kết quả khả quan.

Tác dụng khác

Vỏ Dâm bụt có tác dụng làm đơn bào Entamoeba histolytica co lại thành kén, và có tác dụng lợi tiểu trên chuột cống trắng.

Liều dùng & cách dùng

Mụn mủ, mụn nhọt đang nung mủ: Dùng lá và hoa tươi giã nhỏ với ít muối đắp lên những mụn nhọt đang nung mủ, khô thuốc lại thay. Mụn nhọt sẽ đỡ nhức và sớm vỡ mủ.

Chữa xích và bạch lỵ, bạch đới khí và để rửa mụn nhọt: Vỏ rễ dâm bụt sắc với nước dùng uống. Ngày dùng 4 – 12g vỏ rễ. Nước sắc này còn dùng ngâm, rửa bôi trị trĩ, mụn nhọt với liều không giới hạn.

dâm bụt dược liệuCây Dâm bụt có nhiều tác dụng trị bệnh

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa kiết lỵ ra máu mũi

Vỏ cây Dâm bụt (cạo bỏ vỏ thô), Sao vàng 20g, lá Táo sao vàng 20g, sắc hỗn hợp và uống trong ngày.

Chữa mụn nhọt, sưng đau, đỏ nóng có mủ mà không vỡ được

Cách 1: Dùng 1 nắm lá Dâm bụt tươi, vài hạt muối trắng, giã nhỏ, đắp lên chỗ mụn nhọt giúp mụn mau vỡ mủ. Khi đã vỡ mủ rồi thì bỏ muối, chỉ dùng lá.

Cách 2: Dùng lá và hoa Dâm bụt, giã và đắp lên mụn mủ.

Chữa bạch đới, mộng tinh, tiểu buốt, lỵ

Dùng lá và hoa Dâm bụt, lá Bạch đồng nữ, Thài lài tía, mỗi thứ 1 nắm, giã nhỏ, chế với nước chín, vắt lấy nước cốt uống.

Chữa mộng tinh

Dùng 30g hoa Dâm bụt, 3 cái gương Sen (cả cuống), sắc uống.

Chữa khó ngủ, hồi hộp, tiểu đỏ

Hoa Dâm bụt hãm với nước nóng, uống thay trà.

Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh sớm, vòng kinh ngắn, hoặc ra nhiều máu, rong huyết

Vỏ rễ Dâm bụt, lá huyết dụ, mỗi vị 30g, sắc uống.

Chữa quai bị, đau mắt

Lá Dâm bụt, lá Dành dành, mỗi thứ 1 nắm, giã nhỏ, vắt lấy nước uống, bã đắp.

cây dâm bụt chữa kinh nguyệt không đềuDâm bụt chữa kinh nguyệt không đều

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây Dâm bụt:

Ở nước ta và Trung Quốc, cây Hồng cận biếc hay Mộc cận (Hibiscus syriacus L hoặc Hibiscus chinensis DC) cũng được dùng ở một số nơi với cùng một công dụng như Dâm bụt. Tuy nhiên, cây này là cây nhỡ cao 3 – 5m, lá hình xoan, chia 3 thùy không đều, phía trên có răng cưa dài 8 cm rộng 6cm. Hoa đơn độc, màu trắng hồng, tím hoặc tía.

Tại Malaysia người ta dùng Dâm bụt pha nước uống như pha chè để thông tiểu tiện và chữa mẩn ngứa.