Cây xương rồng và những bài thuốc chữa bệnh ít ai biết đến

0
183

1. Đặc điểm sinh học cây xương rồng

Cây xương rồng (bá vương tiêm, hóa ương lặc) thuộc họ Thầu dầu, cao 7 – 8m, phân nhánh, thân mọng nước. Có khoảng trên 2000 loài xương rồng nhưng phổ biến nhất là xương rồng bẹ và xương rồng ba cạnh.

Xương rồng là loài ít lá, lá nhỏ và thường chuyển thành gai. Cuống lá hình trứng ngược, ngắn. Gân của lá mọc ra từ cạnh mép cành.

Hoa xương rồng mọc thành tán và tạo cụm với 3 tổng có đường kính khoảng 1cm, bao hình cầu dẹt.

Xương rồng được dùng làm dược liệu chủ yếu là:

– Xương rồng 3 cạnh: phần cành và thân có 3 cạnh rất rõ, cao 1 – 3m, cuống lá ngắn, lá nhỏ và mọc ở phần cạnh lồi. Giống xương rồng này hoa có màu vàng, quả màu xanh.

– Xương rồng bẹ: hình dáng trông giống tai thỏ, thân phân nhánh và rất nhiều gai. Khi non, quả có màu xanh, khi chín quả sẽ chuyển sang màu đỏ hồng.

Cây xương rồng bẹ có thể dùng như một dược liệu để chữa bệnh

Cây xương rồng bẹ có thể dùng như một dược liệu để chữa bệnh

2. Thành phần và công dụng trị bệnh của cây xương rồng

Đã có nghiên cứu chỉ ra các hoạt chất có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và giảm đau trong cây xương rồng như: friedelan-3a-ol, b-amyrin, axit citric, flavonoid, fumaric, taraxerol, β amyrin C30H50O, α euphorbol C31H52O, cuphol γ-euphorbol,…

Y học cổ truyền quan niệm cây xương rồng có tính hàn, vị đắng, chứa độc tố. Mỗi bộ phận của dược liệu này sẽ có tác dụng trị bệnh khác nhau:

– Thân cây: chữa thống phong, tiêu thũng, viêm mủ da, thông tiện,…

– Lá cây: chữa ứ tích gây bí đại tiểu tiện, đinh sang, thanh nhiệt, hóa trệ, giải độc.

– Nhựa cây: chữa tả hạ, thấp khớp, cổ trướng, xơ gan, mụn cóc, đau răng, ngứa da, nấm da.

3. Bài thuốc chữa bệnh từ cây xương rồng

3.1. Chữa đau lưng

3.1.1. Dùng cây xương rồng bẹ

– Cách thứ nhất

+ Chuẩn bị: 1 tấm vải sạch, muối hạt 100g, xương rồng bẹ 1 – 2 nhánh.

+ Cách thực hiện: bỏ gai trên bẹ xương rồng sau đó rửa sạch, để cho ráo nước, thái khúc ngắn, giã nhuyễn rồi cho vào chảo sao nóng cùng muối hạt sau đó đổ vào tấm vải sạch, đắp lên trên vùng lưng bị đau.

– Cách thứ hai

+ Chuẩn bị: 1 tấm vải sạch, 4 nhánh cây xương rồng bẹ.

+ Cách thực hiện: bỏ hết gai trên bẹ xương rồng, rửa sạch và nướng nóng trên bếp than sau đó đặt vào trong tấm vải sạch, đắp trực tiếp lên lưng. Đến khi bẹ xương rồng nguội lại tiếp tục nướng và đắp. Thực hiện như vậy nhiều lần, trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần để tăng hiệu quả chữa trị.

Người bị đau lưng có thể dùng cây xương rồng để giảm đau

Người bị đau lưng có thể dùng cây xương rồng để giảm đau

3.1.2. Dùng cây xương rồng 3 cạnh

– Cách thứ nhất

+ Chuẩn bị: 1 con cá quả, 3 đọt non cây xương rồng 3 cạnh.

+ Cách thực hiện: bỏ hết gai xương rồng rồi rửa sạch, đem thái lát mỏng, thêm vào một chút muối sau đó bóp đều, rửa sạch lại với nước để loại bỏ hết mủ trong xương rồng. Cá lọc đem bỏ vảy và ruột rồi rửa sạch. Cho cá và xương rồng vừa chuẩn bị vào nồi cùng 1 chén nước, nấu nhỏ lửa trong 15 phút đến khi cá chín thì lấy ăn. Làm như vậy trong 5 ngày.

– Cách thứ hai

+ Chuẩn bị: cành bánh tẻ xương rồng 3 cạnh.

+ Cách thực hiện: bỏ hết gai xương rồng sau đó rửa sạch, thái lát, phơi khô, sao vàng và hạ thổ. Hàng ngày đem phần dược liệu này sắc cùng 3 chén nước đến khi còn 1 chén thì lấy phần nước uống. Tốt nhất nên uống trước giờ đi ngủ và duy trì trong nửa tháng.

3.2. Chữa đau răng

Lấy cành xương rồng đã được bỏ hết gai nướng nóng cho đến khi mềm thì đem giã nhuyễn, bỏ phần xơ sau đó thêm vào một chút muối, đặt vào chân răng bị đau, ngậm chặt miệng. Nếu có nước miếng chảy ra thì cần nhổ bỏ. Sau khi ngậm khoảng 10 phút hãy súc miệng thật sạch.

3.3. Chữa viêm da mủ, mụn nhọt

Dùng phần thân của cây xương rồng đã được bỏ gai nướng đến khi vàng đều thì chờ nguội, giã nhuyễn sau đó đắp trực tiếp lên nốt mụn nhọt hoặc vùng da bị viêm.

4. Sử dụng cây xương rồng trị bệnh cần lưu ý

Cần tìm hiểu kỹ để chọn đúng cây xương rồng có tác dụng chữa trị bệnh

Cần tìm hiểu kỹ để chọn đúng cây xương rồng có tác dụng chữa trị bệnh

Mặc dù cây xương rồng có thể chữa một số bệnh nhưng trong thành phần của loài cây này vẫn có độc tố nên khi sử dụng, nếu không thận trọng có thể gặp ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì thế, khi dùng cây xương rồng như một dược liệu chữa bệnh nên chú ý:

– Không để phần nhựa trong cây xương rồng tiếp xúc với da và mắt vì độc tính của nhựa xương rồng khá cao.

– Nếu dùng cây xương rồng để nấu ăn hoặc sắc nước uống cần rửa thật sạch để trôi hết phần mủ. Trường hợp mủ của cây xương rồng không được loại bỏ hết trước khi dùng có thể khiến người bệnh bị ngộ độc với các dấu hiệu như: chóng mặt, ngứa niêm mạc, tiêu chảy, nôn,…

– Có rất nhiều loại xương rồng nhưng không phải loại nào cũng có thể dùng chữa bệnh nên cần tìm để dùng đúng loại xương rồng 3 cạnh và xương rồng bẹ.

– Nếu nướng thân cây xương rồng hoặc phần lá để trị bệnh thì cần kiểm soát nhiệt độ, tránh đặt lá lên lưng khi còn quá nóng vì có thể gây bỏng.

– Không dùng cây xương rồng trị bệnh trong một thời gian dài vì có thể bị kích ứng niêm mạc, tiêu chảy,…

– Nên chọn thân cây xương rồng có nhiều thịt, bánh dày, còn tươi để dùng trong các bài thuốc chữa bệnh vì đây là yếu tố giúp đảm bảo hàm lượng hoạt chất cao nhất.

– Không dùng xương rồng để chữa bệnh cho người cho con bú và thai phụ.

Mặc dù thành phần của cây xương rồng có nhiều hoạt chất có thể chữa bệnh nhưng dược liệu này vẫn có độc tính nên để tránh những mối nguy tiềm ẩn cho sức khỏe, người bệnh cần có sự chỉ dẫn cụ thể về liều lượng, cách dùng,… từ thầy thuốc Đông y.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.