Cây duối: Đặc điểm và lợi ích sức khỏe không nên bỏ qua

0
2727

Cây duối: Đặc điểm và lợi ích sức khỏe không nên bỏ qua

Sống khỏe
16/05/2024

Cây duối là loài cây quen thuộc và thường được người dân dùng làm hàng rào bao quanh nhà cửa. Bên cạnh đó, duối còn là cây thuốc quý có nhiều hoạt tính tốt cho sức khỏe. Theo như Đông y, loại cây này là thành phần quan trọng trong các bài thuốc chữa phù thũng, sâu răng, tiểu đục. Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các công dụng và cách sử dụng loại cây này hiệu quả nhất.

Cây duối là loài cây quen thuộc và thường được người dân dùng làm hàng rào

Đặc điểm chung của cây duối

  • Tên thường gọi: Cây duối (ruối)
  • Tên gọi khác: May xói, Duối nhám, Duối dai
  • Tên nước ngoài: Tooth Brush Tree
  • Tên khoa học: Streblus asper Lour
  • Họ: Dâu tằm (Moraceae)

Cây duối là một loại cây thân gỗ, nhỏ, có thể cao khoảng 4 – 6m và thường được dùng làm hàng rào tại nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam.

  • Thân cây được chia nhiều nhánh và thường có mủ trắng.
  • Lá của cây duối có hình trứng ngược, cứng, mặt lá nhám và được mọc so le. Phần mép lá thường sẽ có các răng cưa nhỏ.
  • Hoa duối nhỏ, dạng hình cầu, có màu xanh lục (riêng hoa đực sẽ có màu vàng), cụm hoa đực khoảng 10-12 hoa, cụm hoa cái chỉ có 1 hoa.
  • Quả duối có hình cầu và hơi dẹt, kích thước to bằng đầu ngón tay út. Khi chín, quả có màu vàng và ăn được.
  • Mùa hoa quả: Tháng 6 – 11

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây duối tương đối điển hình ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Đại Dương và cả châu Phi. Duối là một cây mọc rất phổ biến và được trồng ở khắp các tỉnh trong nước ta, dùng để làm hàng rào do có nhiều cành chằng chịt với nhau. Ngoài ra còn mọc ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, Philippin và các nước khác ở vùng Đông Nam Á. Cây cũng phân bố khá phổ biến ở Việt Nam, từ vùng núi thấp khoảng 500m trở xuống đến các tỉnh ở vùng trung du và đồng bằng. Cây mọc tự nhiên thường thấy ở đồi, bờ nương rẫy hoặc trong các lụm bụi quanh làng. Cây duối còn được trồng ở khắp nơi để làm hàng rào hoặc làm cảnh. Bởi khả năng tái sinh cây chồi khỏe, đặc biệt là cây có thể mọc ra nhiều chồi trên những cành còn lại sau khi bị cắt, do đó người ta dễ dàng tạo dáng cho cây.

Cây duối là loài ưa sáng và chịu hạn tốt, ra hoa quả nhiều mỗi năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cành bánh tẻ và cây chồi rễ thường được dùng để nhân trồng.

Ngoài ra, người ta dùng lá thân, rễ tươi và khô, thu hái gần như quanh năm. Nhựa ruối cũng được dùng.

Duối là một cây mọc rất phổ biến và được trồng ở khắp các tỉnh trong nước ta

Thành phần hóa học trong cây duối

Mủ của cây duối là một trong các bộ phận được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền. Trong mủ của cây duối có thành phần chính là nhựa (resin) chiếm khoảng 76%, còn lại khoảng 24% là cao su. Ngoài ra, trong các bộ phận của cây còn chứa nhiều thành phần hoạt chất có lợi khác như:

  • Acid oleanolic
  • β – sitosterol
  • Botulin
  • Tetracontan – 3 – on
  • N – triacontan
  • Stigmasterol

Hơn nữa, cây duối còn giàu glycosid tim, khoảng hơn 20 glycoside từ vỏ rễ của cây duối. Theo y học cổ truyền, những chất này còn gọi là chất đắng và chúng có tính năng trợ tim.

Tác dụng của cây duối đối với sức khỏe

Một số tác dụng của cây duối có thể kể đến như cầm máu, chữa chướng bụng, giải độc,… Hơn nữa, còn có nhiều lợi ích khác tốt cho sức khỏe như:

Cây duối mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe

Giúp làm sạch răng miệng

Các nghiên cứu đã chứng minh được hoạt tính kháng khuẩn trong chiết xuất lá cây duối trên các vi sinh vật liên quan đến nhiễm trùng miệng và mũi họng.

Hoạt tính diệt khuẩn được tìm thấy trong dịch chiết 50% ethanol trong lá cây duối có hoạt tính diệt khuẩn chọn lọc đối với Streptococcus, đặc biệt là S. mutans – đây là loại vi khuẩn đã được chứng minh là yếu tố góp phần đáng kể dẫn đến sâu răng.

Trong một nghiên cứu khác cũng đã được thực hiện để giúp xác định hiệu quả kháng khuẩn của nước súc miệng có chứa chiết xuất của lá duối trên S. mutans với tổng số vi khuẩn trong nước bọt sau 60 giây súc miệng.

Kết quả cho thấy, nước súc miệng có chứa chiết xuất lá duối có thể làm giảm S. mutans nhưng không có tác dụng đáng kể nào đối với sự phát triển của các mảng bám.

Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư

Nhiều nghiên cứu đã báo cáo về các hoạt tính chống ung thư của cây duối. Khả năng gây độc tế bào KB (dòng tế bào ung thư biểu mô) được tìm thấy trong chiết xuất từ vỏ của cây. Hai loại glycoside tim gây độc tế bào gồm mansonin và strebloside đã được phân lập và chúng đều thể hiện hoạt tính đáng kể trong hệ thống nuôi cấy tế bào KB.

Methanol và hexan được tìm thấy trong thành phần hóa học của cây duối có khả năng gây độc tế bào cao đối với tế bào ung thư bạch cầu. Hoạt tính chống ung thư cao của chloroform trong thí nghiệm các dòng tế bào ung thư gan đã được xác nhận cho thấy khả năng giúp hỗ trợ trong điều trị ung thư ở cây duối là đáng kể.

Trợ tim

Vỏ rễ cây duối có chứa rất nhiều loại glycosid tim. Đây là nhóm hoạt chất có tác dụng lên hệ tim mạch, góp phần làm tăng cường hoạt động co bóp của cơ tim, giúp trợ tim.

Cụ thể hơn, Ethanolic – một loại glycosid được tìm thấy từ chiết xuất của vỏ cây duối được chứng minh là có công dụng tích cực lên huyết áp và cơ tim sau khi tiến hành các thí nghiệm dược lý trên ruột thỏ cô lập, tim ếch cô lập và tử cung của chuột lang.

Giúp kháng khuẩn

Cây duối có tác dụng gì? Các nghiên cứu khác nhau được thực hiện để xác định khả năng kháng khuẩn của lá cây duối. Chiết xuất ethanol từ cành và lá của cây đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại ở vùng mũi họng mà không gây ảnh hưởng đến các vi khuẩn có lợi khác.

Chống sốt rét

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được đặc tính chống sốt rét của dịch chiết cây duối trong bệnh sốt rét ở chuột.

Chiết xuất vỏ thân của cây duối sau khi cho vào phúc mạc đã được chứng minh là có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch của vật chủ chống lại Plasmodium berghei ở chuột.

Chống dị ứng

Chiết suất từ lá của cây duối có khả năng chống viêm và điều trị các triệu chứng sốc phản vệ như thở khò khè, khó thở hoặc giảm huyết áp, sưng ngứa, viêm đỏ. Trong các mô hình nghiên cứu về khả năng chống sốc phản vệ thụ động qua da (anti-passive cutaneous anaphylaxis/ PCA) cùng với hoạt động ổn định tế bào mast thử nghiệm ở chuột, chiết xuất của cây duối đã cho thấy có khoảng 60 – 74% hoạt tính chống dị ứng.

Diệt côn trùng

Cây duối có tác dụng gì? Người ta đã chứng minh rằng chiết xuất từ thân cây duối có tác dụng diệt côn trùng.

Theo nhiều nghiên cứu từ chiết xuất vỏ thân của cây đã cung cấp một khởi đầu hữu ích cho việc phát triển thuốc trừ sâu sinh học về sau.

Tác dụng của cây duối đối với sức khỏe

Một số lưu ý khi sử dụng cây duối chữa bệnh

Để có thể phòng tránh một số trường hợp rủi ro có thể xảy ra, trước khi sử dụng cây duối để hỗ trợ chữa bệnh, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Đối tượng bị dị ứng hoặc bị mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu không nên sử dụng.
  • Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ, người cao tuổi nên thận trọng khi sử dụng cây duối. Những đối tượng này cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Dược liệu này có thể gây ra một số tác dụng phụ đáng kể như: tiêu chảy, kích ứng da, phát ban da,… ở một số trường hợp.

Kết luận: Cây duối đem lại nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên bên cạnh việc áp dụng dược liệu này để chữa bệnh, bạn cũng cần phối hợp với thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.