Mật mông hoa: Dược liệu quý để chữa các bệnh về mắt
Mật mông hoa, một loại dược liệu mọc hoang ở rừng một số tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn,… Cây có vị ngọt nhạt, tính bình hơi hàn, có tác dụng nhuận gan, sáng mắt, trừ màng mộng dùng chữa các bệnh về mắt (như thong manh, mắt đỏ đau, nhiều nước mắt).
Tìm hiểu chung
Tên gọi, danh pháp
Tên Việt Nam: Mật mông hoa.
Tên khác: Lão mông hoa; Lão mật mông hoa; Mông hoa; Hoa mật mông.
Tên khoa học: Buddleja officinalis Maxim, họ Mã tiền (Loganiaceae)
Đặc điểm tự nhiên
Mật mông hoa là dạng cây nhỏ. Thân và cành non có nhiều lông đơn màu nâu đỏ hoặc trắng nhạt, có lông tuyến. Lá mọc đối, hình trứng hoặc thuôn dài, dài 6 – 10cm, rộng 2 – 4cm, gốc và đầu thuôn hẹp, mép lá nguyên hoặc có răng cưa rất nhỏ, mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới có lông mịn màu trắng nhạt; cuống lá ngắn.
Cụm hoa màu vàng nhạt, mọc thành cụm hình xim phân nhánh ở ngọn thân và đầu cành, cuống phủ nhiều lông, đài hoa dài khoảng 15cm, có 4 răng dính lại thành hình chuông; tràng 4 cánh, phần dưới hợp thành ống hơi cong, mặt ngoài có ít lông; nhị 4 dính ở 1/3 phía trên ống tràng; bầu có lông.
Quả nang hẹp, thuôn dài.
Mật mông hoa
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố
Cây Mật mông hoa mọc hoang ở rừng một số tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc (Tam Đảo),… Cây cũng có ở Trung Quốc (Quảng Đông Quảng Tây, Vân Nam,…) và Lào.
Thu hái, chế biến
Hoa cây Mật mông hoa được thu hái vào tháng 2, tháng 3 lúc hoa còn chưa nở. Sau khi hái về, bỏ mẩu cành, phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng của cây Mật mông hoa là cụm hoa đã phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hoá học
Hoa Mật mông hoa chứa:
- Triterpen: Olean-13 (18)-en-3-on; δ-amyrin, euph-8 , 24-dien-3-yl acetat (butyrospermyl acetat, ; α-spinasterol; glatitol; acid vanilic).
- Flavonoid: Acacetin; apigenin; luteolin; neobudoficid; linarin (acaciin), luteolin-7-0-rutinosid; luteolin-7-0-glucosid và cosmosiin.
Nụ hoa chứa:
- Phenylpropanoid glycosid: Verbascosid; cistanosid; β-hydroxyacteosid; poliumosid; echinacosid; martynosid.
- Flavonoid glycosid: Linarin; apigenin-7- rutinosid.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Mật mông hoa có vị ngọt nhạt, tính bình hơi hàn, quy kinh can, có tác dụng nhuận gan, sáng mắt, trừ màng mộng dùng chữa thong manh, mắt đỏ đau, nhiều nước mắt.
Hoa Mật mông hoa có tác dụng nhuận gan, sáng mắt
Theo y học hiện đại
Cao nước Mật mông hoa ức chế in vitro tác dụng độc hại tế bào gây thực nghiệm ở tế bào gan nuôi cấy.
Hoạt chất flavonoid acacetin của mật mông hoa là hỗn hợp tan trong nước có tác dụng chống viêm.
Liều dùng & cách dùng
Mật mông hoa được dùng trong nhãn khoa để chữa thong manh, mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, mắt có nhiều tia máu đỏ, có màng mộng. Liều dùng 3 – 6g/ngày, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Mật mông hoa chữa đau mắt sưng đỏ
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa mắt đau, sưng đỏ, chảy nước mắt
Cách 1: Mật mông hoa 9g; Cúc hoa 4g, Kinh giới 4g, Long đởm 4 g, Phòng phong 4g, Bạch chỉ 4 g, Cam thảo 2g. Sắc với 200ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Cách 2: Mật mông hoa 12g, Cúc hoa 12g, hạt Mào gà 12g, Hoàng đằng 8g. Sắc uống.
Cách 3: Mật mông hoa 20g, hạt Muồng 20g, hạt Mã đề 20g, Cỏ dùi trống 20g. Sắc với nước, rồi mài Thạch quyết minh vào để uống.
Chữa bệnh dịch đau mắt đỏ do thời tiết, mắt ngứa, nhức đầu hoặc có sốt
Mật mông hoa, hạt Muồng (Quyết minh tử) sao, Bạc hà, Dành dành, Kinh giới, Huyền sâm, vỏ Núc nác, Ngưu tất, Mạch môn, mỗi vị 12g. Sắc uống.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cây Mật mông hoa:
- Hiện nay, một vài tỉnh ở nước ta khai thác 1 loại hoa với tên Mật mông hoa nhưng thật sự đó là cây Bùng bục hay cây Cám lợn Mallotus furetianus thuộc họ Thầu dầu (Euphotbiaceae). Cần chú ý tránh nhầm lẫn.
- Trong họ Mã tiền cùng chi Buddleia còn có cây Bọ chó hay Sầu đâu chuột Buddleia asiatia Lour.. Cần phân biệt để tránh nhầm lẫn.
Nguồn tham khảo
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 2 (Tr. 251)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Tr. 561)