Sâm bố chính

0
8523

Sâm bố chính vị ngọt đắng, tính mát, đi vào các kinh Tỳ, Phế, chủ trị các chứng ho, lao phổi ở trẻ em, rối loạn kinh nguyệt… Người có tỳ vị hư hàn nên tẩm gừng và sao kỹ trước khi dùng.

Tên khác: Thổ hào sâm, nhân sâm Phú Yên, sâm báo, sâm khu năm,

Tên gọi khoa học: Abelmoschus sagittifolius

Họ: Cẩm quỳ ( Malvaceae ) hay còn được gọi là họ dâm bụt hoặc họ bông

 

I. Mô tả về cây sâm bố chính

Đặc điểm thực vật

Thân: Cây thân thảo, có chiều cao khoảng 1m. Thân cây chủ yếu mọc đứng. Đôi khi nó có thể mọc bám vào các cây khác để phát triển.

Lá: Lá màu xanh, gốc lá hình trái xoan và cuối phiến lá lại có hình dáng tương tự như mũi tên. Bề mặt lá có nhiều lông.

Hoa: Sâm bố chính ra hoa đơn có 5 cánh, màu hồng phớt vàng hay đỏ. Hoa mọc ở kẽ lá và có đường kính khoảng 8cm. Cuống hoa dài, đầu trên hơi phình ra, bên ngoài phủ lông cứng.

Quả: Hình trứng, một đầu nhọn, chia làm 5 múi, bên ngoài phủ lông. Quả non màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu nâu và nứt ra thành 5 mảnh rõ ràng.

Hạt: Trong quả chứa nhiều hạt nhỏ màu nâu, hình dáng tương đối giống quả thận.

Dược liệu

Rễ sâm bố chính có hình dáng bên ngoài giống nhân sâm, màu vàng nhạt hoặc trắng. Đường kính trung bình của rễ dao động từ 1,5 – 2cm.

Phân bố

Sâm bố chính là cây bản địa của Việt Nam. Cách đây khoảng 300 năm, thảo dược này đã được tìm thấy ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) theo dạng mọc hoang.

Ngày nay, với nhiều lợi ích được phát hiện, sâm bố chính được trồng rộng rãi để làm thuốc. Nhiều nhất là ở các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, chẳng hạn như Phú Yên, Gia Lai hay Bình Định.

Bộ phận dùng

Rễ sâm bố chính là bộ phận được dùng để bào chế thuốc

Thu hái – Sơ chế:

Rễ sâm bố chính thường được thu hoạch vào mùa đông. Tùy theo nhu cầu dùng tươi hay khô mà có cách sơ chế khác nhau:

Sâm tươi: Sau khi đào về, rễ được rửa sạch đất cát, cắt bỏ hết rể con xung quanh, ngâm với nước vo gạo rồi để qua một đêm. Vớt ra cho ráo nước trước khi đem ngâm với rượu trên 40 độ hoặc sắc uống.

Sâm khô: Sau bước ngâm nước vo gạo thì thái mỏng hoặc để nguyên cả củ đồ chín. Phơi hoặc sấy khô.

Bảo quản

Bảo quản dược liệu nơi khô ráo, tránh để bị ẩm mốc

Thành phần hóa học

Theo GS Đỗ Tất Lợi, trong rễ sâm bố chính chứa khoảng 30 – 45% là chất nhầy và tinh bột.

Một báo cáo của PGS TS Trần Công Luận và các cộng sự được thực hiện vào năm 2001 đã ghi nhận thêm rất nhiều thành phần hóa học có trong rễ cây sâm bố chính được trồng tại Bạc Liêu như:

Phytosterol

Coumarin

Acid béo,

Acid hữu cơ

Đường khử

Hợp chất uronic

3,96% lipid, chủ yếu là các chất acid myrisric, acid myrisric hay acid oleic,…

0,23g % protein toàn phần

1,26% protid

15,14% tinh bột

18,92% chất nhày bao gồm D-glucose, L-rhamnose

11 loại acid amin

Cùng nhiều loại khoáng chất như canxi, magie, natri, sắt, mangan, đồng, photpho, nhôm, zirconi…

Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện trong sâm bố chính có các chất như Acyl hibiscone B, (R)-de-O-methyllasiodiplodin hay hibiscone B. Đáng lưu ý, hợp chất Acyl hibiscone B trong loại sâm này còn thể hiện độc tính tế bào, có tác dụng chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư.

 

Vị thuốc sâm bố chính

Tính vị

Tính mát, vị ngọt, đắng

Quy kinh

Sâm bố chính có khả năng đi vào các kinh Tỳ, Phế, Tâm, Thận

Tác dụng dược lý và chủ trị của sâm bố chính

– Theo y học cổ truyền:

Sâm bố chính có công dụng bổ tỳ vị, thanh nhiệt, dưỡng ẩm, bổ máu, nhuận phế, trợ tiêu hóa, sinh tân dịch. Chủ trị suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng, rối loạn kinh nguyệt, lao phổi ở trẻ em, hen suyễn, ho, sốt, thiếu máu, trầm cảm, ra nhiều mồ hôi, mỏi lưng, động kinh, tiêu hóa trì trệ, suy giảm sinh lý…

– Theo y học hiện đại:

Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cho thấy, cao cồn sâm bố chính khi được sử dụng theo đường uống hoặc đường tiêm phúc mạc có thể làm giảm khả năng hoạt động tự nhiên của loài động vật này.

Ngoài ra, cao bố chính còn làm tăng tác dụng gây ngủ của thuốc barbituric, kéo dài giấc ngủ. Đồng thời chống co giật ở chuột khi được cho sử dụng pentetrazol.

Những thử nghiệm trên cho thấy sâm bố chính có thể giúp an thần và ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Cách dùng và liều lượng:

Cách dùng: Sắc uống, tán thành bột mịn, làm hoàn hoặc ngâm rượu uống.

Liều lượng: 10 – 20g mỗi ngày

Độc tính:

Sâm bố chính không có độc . Tuy nhiên, dược liệu này có thể gây dị ứng nếu không hợp cơ địa.

Trường hợp bị dị ứng với sâm, bạn có thể gặp một số triệu chứng như:

Nổi mề đay

Da nóng đỏ

Ngứa da

Biểu hiện dị ứng nặng: Sưng môi, lưỡi họng, khó thở, thở khò khè, giảm huyết áp, mạch đập nhanh…

 

Bài thuốc chữa bệnh có sâm bố chính

1. Điều trị bệnh lao phổi cho trẻ em

Thành phần: Sâm bố chính (6-10g), siro cam thảo (200g), nước đun sôi để nguội (180ml).

Cách dùng: Trộn đều tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị để được hỗn hợp hòa quyện. Mỗi lần cho trẻ uống 1 thìa x 1 lần/ngày.

2. Trị rối loạn kinh nguyệt

– Cách 1:

Thành phần: Sâm bố chính, ngải cứu, ích mẫu ( mỗi vị 16g ), cỏ nhọ nồi, thục địa ( mỗi vị 20g ), củ cây gai (12g), củ ấu (10g ).

Cách dùng: Ngải cứu và cỏ nhọ nồi sao vàng, kết hợp với các vị thuốc còn lại hợp thành một thang. Đem sắc lấy 200ml nước đặc chia làm 3 lần uống. Ngày dùng 1 thang để cải thiện các triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt như tắc kinh, rong kinh, chậm kinh…

– Cách 2: 

Thành phần: Sâm bố chính (10g), lá ngải cứu ( 10g), sung úy (10g)

Cách dùng: Sắc uống trong 7 ngày liên tục

3. Bồi bổ khí huyết

Thành phần: Sâm bố chính (30g), củ mài, đương quy, dĩ nhân ( mỗi loại 15g), hồi dầu (12g), mật ong nguyên chất.

Cách dùng: Tán tất cả thành bột, trộn chung với lượng mật ong vừa đủ để được hỗn hợp mịn, khô vừa và không dính tay. Vo thuốc thành viên hoàn uống mỗi ngày 15 – 20g.

4. Chống suy dinh dưỡng, đi ngoài phân lỏng, kiết lỵ cho trẻ trên 2 tuổi

Thành phần: Hoài sơn (30g), sâm bố chính (25g), ý dĩ (20g), bạch chỉ (10g), hạt sen (15g). Có thể sử dụng nguyên liệu với số lượng lớn hơn nhưng cần tuân theo đúng tỷ lệ trên.

Cách dùng: Tất cả đem sao chín, nghiền thành bột mịn. Trộn bột thuốc chung với một ít nước và đường nấu lên để được một loại cao lỏng. Để trị bệnh uống mỗi ngày 4 – 10g.

5. Bổ huyết, chữa thiếu máu

Thành phần: Sâm bố chính, giao đằng, hạt sen (mỗi loại 100g), cam thảo (40g), bát giác hồi hương (8g), thảo quả (12g).

Cách dùng: Nghiền các vị trên lấy bột, vo thành viên hoàn nhỏ bảo quản trong hũ thủy tinh. Ngày uống 2 lần x 20g/lần.

6. Chữa lo âu, trầm cảm

Thành phần: Sâm bố chính (16g), củ khoai mài, hà thủ ô, ích trí, bá tử nhân (mỗi loại 12g), táo nhân, cam thảo dây, thủy ngọc, liên tu, xương bồ ( mỗi loại 8g), nhục quế (4g).

Cách dùng: Tất cả rửa sạch, cho vào ấm sắc với 500ml, sắc cạn còn 300ml thì ngưng. Chia uống 2 lần trong ngày có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm.

7. Hạ sốt, chữa ra nhiều mồ hôi và hay khát nước

Thành phần: Sâm bố chính (20g), địa hoàng thán (30g), quế nhục (3g)

Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang

8. Điều trị dự phòng hen suyễn, giảm tần suất lên cơn hen

– Cách 1:

Thành phần: Sâm bố chính (200g), vỏ quýt và can khương (mỗi loại 120g), rễ cây dâu tằm (160g), 4 con tắc kè, mật ong nguyên chất.

Cách dùng: Tắc kè làm sạch ruột, băm nhỏ, sao vàng. Tán tất cả thành bột trộn chung với mật ong làm hoàn. Mỗi ngày uống 12g.

– Cách 2: 

Thành phần: Sâm bố chính, hà thủ ô, củ đinh năng, ngải cứu ( mỗi loại 200g), đậu đen (500g).

Cách dùng: Nghiền thuốc thành bột và trộn chung với mật ong làm thành những viên hoàn có trong lượng khoảng 24g. Dùng ngày 2 viên, uống với nước đun sôi để nguội.

9. Chữa ho 

Thành phần: Sâm bố chính (10g), quốc lão (8g).

Cách dùng: Sắc thuốc với 500ml nước, đun cạn còn 200ml thì tắt bếp. Gạn nước chia 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang.

10. Bồi bổ sức khỏe cho bệnh nhân sau điều trị áp xe phổi

Thành phần: Sâm bố chính và hoài sơn ( mỗi vị 16g), dĩ mễ, sinh địa, huệ tây, kim ngân hoa ( mỗi loại 12g).

Cách dùng: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

11. Chữa hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, khó ngủ

Thành phần: Sâm bố chính (20g), quả dâu chín, hà thủ ô, hoài sơn, long nhãn, hạt sen, rau má ( mỗi loại 12g), bá nhân, táo nhân ( mỗi loại 8g).

Cách dùng: Sắc lấy nước đặc chia 3 phần uống hết trong ngày. Mỗi ngày 1 thang.

12. Chữa động kinh

Thành phần: Sâm bố chính, vỏ quýt, nam tam tinh, yết vĩ ( mỗi loại 20g), quế (4g), ý dĩ (40g), chu sa (1g), tim lợn (1 cái ).

Cách dùng: Tán nam tam tinh, ý dĩ , quế, vỏ quýt, sâm bố chính thành bột mịn. Sau đó, trộn bột thuốc chung với chu sa nhét vào bên trong tim lợn. Hấp cách thủy 40 phút, chia 3 lần ăn trong ngày cho hết.

13. Bồi bổ cơ thể, nâng cao chức năng hệ tiêu hóa

Thành phần: Sâm bố chính ( nếu tươi dùng 1kg, khô dùng 3kg), 5 lít rượu trắng cao độ.

Cách dùng: Rửa sạch sâm bố chính, cho vào bình thủy tinh có miệng rộng ngâm với rượu trong 30 ngày. Mỗi lần uống 15ml, dùng trong các bữa ăn sáng, trưa, tối.

14. Chữa suy nhược thần kinh

Thành phần: Sâm bố chính (20g), hoàng kỳ (12g), tần quy (8g), sơn khương (8g), mộc hương (8g), hoa cúc (8g), dư dung (8g), long nhãn (8g), táo nhân (8g), phục linh (6g), tiểu thảo (6g).

Cách dùng: Tất cả cho vào ấm sắc lấy nước đặc, chia uống vài lần. Mỗi ngày dùng 1 thang.

15. Giúp cơ thể nhanh phục hồi sau bỏng

Thành phần: Sâm bố chính, dĩ mễ, củ mài ( mỗi loại 16g), sơn liên, sa sâm bắc, hà thủ ô, địa hoàng thán, kê huyết đằng ( mỗi loại 12g), câu khởi (10g), trần bì (8g).

Cách dùng: Sắc uống 1 thang mỗi ngày.

16. Trị rối loạn giấc ngủ, nặng ngực, mệt mỏi trong người

Thành phần: Sâm bố chính (120g), mậu ất chi (80g), tầm gửi sống trên cây dâu, hạt cây tơ hồng, dạ hợp, quả dâu ( mỗi loại 40g), dứa dại, ba kích, cao xương hổ ( mỗi loại 20g), 2 lít rượu trắng ngon.

Cách dùng: Các vị thuốc đem ngâm chung với rượu. Sau 2 ngày 2 đêm lấy chưng cách thủy, hạ thổ trong 7 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 – 40ml.

17. Chữa suy nhược cơ thể cho người mắc bệnh đường hô hấp

Thành phần: Sâm bố chính, sa sâm, toan táo hạch, tua sen ( mỗi loại 12g), hạt sen (20g), lá vông, hương phụ ( mỗi loại 10g), câu khởi (8g).

Cách dùng: Sử dụng thuốc theo dạng sắc, uống mỗi ngày 1 thang.

18. Cải thiện sức khỏe cho người mới ốm dậy, đối tượng lao động nặng nhọc

Thành phần: Sân bố chính (180g), hạt sen và hoài sơn (mỗi vị 80g), sơn khương (40g), binh lang (8g).

Cách dùng: Tán thuốc thành bột uống mỗi ngày 20g.

19. Trị chứng tay chân lạnh

Thành phần: Sâm bố chính, đương quy, hoàng kỳ và phục linh ( mỗi loại 20g), lộc nhung, chích thảo ( mỗi loại 8g).

Cách dùng: Phục linh tẩm sữa, đương quy tẩm mật sao vàng, hoàng kỳ cũng đem tẩm với nước phòng phong và sao vàng. Tất cả nghiền nhỏ sắc uống.

20. Khắc phục chứng trì trệ tiêu hóa và bài tiết

Thành phần: Sâm bố chính (20g), sơn khương (40g), trầm hương (4g).

Cách dùng: Sơn khương đem tẩm sữa, sao vàng rồi cho vào ấm sắc cùng sâm bố chính trước. Cuối cùng thêm trầm hương vào tiếp tục sắc thêm 10 phút. Chia uống 2 – 3 lần. Qua ngày hôm sau sắc thang mới.

21. Điều trị bệnh đái ra dưỡng chấp

Thành phần: Sâm bố chính, giao đằng, hoài sơn, tỳ giải, lá tre, huyền sâm, hạt sen, rễ cỏ tranh, quốc lão, mã đề ( mỗi loại 12g), hoạt thạch (6g).

Cách dùng: Sắc thuốc uống hàng ngày. Dùng liên tục mỗi ngày 1 thang cho đến khi khỏi bệnh.

22. Chữa suy giảm chức năng thận, cường dương

Thành phần: Sâm bố chính, liên nhục, sừng nai, tục đoạn, ba kích, hoài sơn, cầu tích, liên tu, hoàng tinh (mỗi loại 1kg), đỗ đen (1,5kg), hạt tơ hồng (200g).

Cách dùng: Sừng nai đem đắp đất và nung tồn tính. Ba kích tẩm muối, sao vàng. Cuối cùng đem tất cả tán thành bột, vo viên hoàn nặng khoảng 12g. Ngày dùng 2 viên.

23. Chữa thận khí kém, đau mỏi lưng gối, suy yếu cơ thể

Thành phần: Sâm bố chính, hoài sơn, gạc mai nướng, hộc quyết, tầm gửi trên cây dâu ( mỗi loại 6g), hà thủ ô (12g), mẫu đơn và nhụy sen ( mỗi loại 4g).

Cách dùng: Các vị thuốc đã chuẩn bị đem trộn chung, sắc uống ngày 1 thang.

24. Tăng cường sức khỏe sinh lý

Thành phần: Sâm bố chính và sâm cau ( dùng dạng khô mỗi loại 1kg), cương tiền (300g), 10 lít rượu trắng cao độ.

Cách dùng: Đem 3 vị thuốc trên sao vàng, đổ xuống nền đất sạch cho nguội (hạ thổ ), ngâm rượu trong 30 ngày. Mỗi ngày có thể uống 2 – 3 lần, mỗi lần 15ml.

25. Chữa chán ăn, đầy bụng, tiêu chảy

Thành phần: Sâm bố chính (40g), sơn khương sao mật (20g), thục chi sao mật (8g), chích thảo (4g), hắc phụ (1,2g), 4 quả táo ta, 1 miếng gừng tươi.

Cách dùng: Nấu nước đặc uống vài lần trong ngày.

26. Điều trị khí hư bạch đới

Thành phần: Rễ sâm bố chính

Cách dùng: Rửa sạch, giã nhỏ rễ sâm bố chính rồi đem nấu cùng gạo nếp ăn

27. Bổ khí huyết, chống suy nhược cơ thể ( hoàn đại bổ)

Thành phần: Sâm bố chính và củ đinh lăng ( mỗi loại 100g), giao đằng (60g), vỏ quýt (20g), rau thai nhi ở phụ nữ đẻ con so (1 bộ), mật ong nguyên chất.

Cách dùng: Rau thai nhi rửa sạch, cắt bỏ hết màng gân, cắt ra từng miếng để trên đĩa gốm sứ sấy khô. Rễ đinh lăng gọt vỏ, thái lát mỏng, sấy khô và sao vài phút. Cuối cùng, đem tất cả tán nhỏ, trộn với mật ong, vo thành viên hoàn cỡ 12g. Mỗi ngày uống 1 viên vào buổi tối trước lúc đi ngủ. Liệu trình dùng thuốc kéo dài 15 ngày.

28. Chữa táo bón, gây yếu, suy nhược, táo khát, tiểu són

Thành phần: Sâm bố chính, cao ban long

Cách dùng: Sâm bố chính đem nấu cho cô đặc thành cao. Khi sử dụng hòa với cao ban long uống theo liều lượng chỉ dẫn của thầy thuốc.

29. Chữa mụn nhọt sưng lở, sản hậu tiện bí

Thành phần: 6 -12g sâm bố chính

Cách dùng: Đem sâm sắc nước uống hoặc nghiền thành bột mịn pha với nước đun sôi để nguội uống

Lưu ý khi chữa bệnh bằng sâm bố chính

Chỉ dùng thuốc khi được sự cho phép và theo dõi bởi thầy thuốc có kinh nghiệm chuyên môn

Mua nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Sâm được trồng tự nhiên trên đất đồi sẽ có chất lượng tốt hơn.

Sâm bố chính có tính mát nên khi sử dụng cho bệnh nhân có thể hư hàn cần phải tẩm với gừng và sao kỹ trước khi dùng.

Không dùng sâm bố chính chung với lê lô

Trường hợp ngâm rượu nên dùng bình thủy tinh hoặc bình gốm để ngâm nhằm đảm bảo chất lượng rượu. Tránh dùng bình làm bằng chất liệu nhựa hoặc kim loại.

Kiêng dùng các chất kích thích trong quá trình dùng sâm bố chính.

Hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang được điều trị bằng thuốc tây để đảm bảo không có sự tương tác giữa chúng.

Các bài thuốc từ sâm bố chính chỉ cho hiệu quả tốt khi phù hợp cơ địa. Cần kiên trì sử dụng một thời gian để thấy được kết quả.

Cây sâm bố chính có đặc điểm gần giống với cây vông vang nên dễ bị nhầm lẫn. So với sâm bố chính thì cây vông vang lớn hơn, phần lông cũng mọc dài hơn. Ngoài ra, hoa vông vang có màu vàng, trong khi đó hoa bố chính lại màu hồng.