Bệnh nguy hiểm từ thói quen uống một ly trà sữa mỗi ngày

0
118

Giới trẻ nạp quá nhiều đường vào cơ thể vì món khoái khẩu

Trà sữa đã và đang trở thành một thức uống khoái khẩu của giới trẻ. Việc uống trà sữa mỗi ngày là thói quen không hề hiếm gặp ở thế hệ “gen Z”.

Tuy nhiên, vì là một thức uống chứa lượng đường rất cao, việc giới trẻ lạm dụng trà sữa đang là một thực trạng đáng báo động.

Theo TS Chu Thị Tuyết – Trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Hữu Nghị, nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, trong mỗi ly trà sữa 500ml có chứa khoảng 90 – 102g đường, vượt quá lượng đường cho phép theo tiêu chuẩn nhu cầu hàng ngày.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một cốc trà sữa nhỏ chứa khoảng 300kcal, cốc cỡ lớn chứa khoảng 500kcal. Để đốt cháy năng lượng được cung cấp từ một cốc trà sữa cỡ nhỏ, bạn phải cần đến 90 phút đi bộ.

TS Chu Thị Tuyết cũng cảnh báo, thói quen lạm dụng trà sữa ở giới trẻ có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nguy hiểm sau:

– Tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Đặc biệt với trẻ ở lứa tuổi học đường, việc uống quá nhiều trà sữa có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng khác và ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể.

– Rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

– Mất cân bằng các chất dinh dưỡng khác.

– Gây thừa canxi dẫn đến sỏi thận.

– Bột màu và hương liệu nhân tạo trong trà sữa có nguy cơ gây tổn thương đối với chức năng gan, thận và hệ tim mạch, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Ngoài trà sữa, các loại đồ ăn, thức uống nhiều đường cũng là các món khoái khẩu với giới trẻ, gây hệ lụy xấu tới sức khỏe nếu không được kiểm soát.

Điển hình như trong một gói mứt sấy khô, một gói bim bim năng lượng cung cấp đến 120kcal trong 100g.

Cùng với đó, đồ uống có đường ngày càng được yêu thích. Nhiều gia đình ngày 3 bữa đều cho trẻ uống cùng trong bữa ăn. Trong khi đó, trong một ngày, nếu đứa trẻ chỉ uống một lon hoặc một chai đồ uống có đường thì cũng đã tiêu thụ lượng đường tự do, vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều, với khoảng 36g đường tự do trong mỗi lon nước ngọt.

Cụ thể, trong một lon nước ngọt có ga khoảng 330ml sẽ nạp vào cơ thể khoảng 140kcal. Để uống một lon nước ngọt rất nhanh, nhưng để tiêu thụ được lượng đường này sẽ mất khoảng 60 phút đi bộ.

 Béo phì gia tăng mạnh, tiểu đường “trẻ hóa”

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%.

Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TPHCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Đặc biệt ở lứa tuổi học đường từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8,5% đã tăng gấp đôi, lên 19% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Tình trạng béo phì tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ… làm giảm chất lượng cuộc sống.

Trong khi đó, bệnh tiểu đường vốn là bệnh gặp nhiều ở người già ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương gặp cả những trẻ 8-10 tuổi đã mắc tiểu đường túyp 2, căn bệnh liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng, béo phì, lối sống.

Để duy trì sức khỏe tốt, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chúng ta nên tuân thủ các nguyên tắc ăn uống lành mạnh sau đây:

– Ăn đủ 5 nhóm thực phẩm.

– Tránh ăn quá nhiều đồ chiên xào.

– Hạn chế ăn đồ ngọt.

– Uống đủ nước.

– Ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế thực phẩm tinh chế, chế biến sẵn.