Công dụng chữa bệnh tuyệt vời của cua đồng

0
115

Khi dùng cua đồng cần lưu ý: Không dùng loại có mắt đỏ, có lông ở bụng, có chấm ở lưng và khoang ở chân. Không uống nước cua sống vì có thể nhiễm ấu trùng sán lá.

Cua đồng không chỉ là thực phẩm dân dã quen thuộc đối với người Việt Nam chúng ta mà còn là một vị thuốc tốt. Canh cua đồng là món giải nhiệt trong mùa hè, kích thích ăn uống và dễ tiêu hóa thức ăn. Y học cổ truyền dùng cua đồng chữa ứ huyết khi bị chấn thương bầm dập. Y học hiện đại xác nhận trong cua đồng có nhiều calci phosphat nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương.

Theo đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương; dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục. Điểm đáng lưu ý là không dùng cua đồng có mắt đỏ, có lông ở bụng, có chấm ở lưng và có khoang ở chân. Không được uống nước cua sống vì có thể chứa ấu trùng sán lá.

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, trong 100g cua đồng không chứa mai và yếm có hàm lượng các chất sau:

74.4g nước

12.3g protid

3.3 lipid

2g glucid và 8.9g calo

Ngoài ra, cua đồng còn chứa một lượng lớn vitamin như B1, B2, PP…muối khoáng, sắt, photpho và đặc biệt là hàm lượng canxi rất cao.

Lợi ích của cua đồng đối với sức khỏe

Hoạt huyết và hàn gắn xương

Theo đông y, cua đồng là loại thực phẩm có tính hàn, vị mặn, hơi độc, có tác dụng tán kết, hoạt huyết và hàn gắn xương nên thường được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh có tên điền giải.

Ngừa loãng xương và còi xương

Từ những thành phần dinh dưỡng nói trên, cua đồng có tác dụng trị còi xương cho trẻ em và ngăn ngừa loãng xương cho người lớn tuổi. Theo y học hiện đại, trong cua đồng có chứa nhiều canxi photphat – thành phần được sử dụng để ngăn chặn hoặc điều trị nồng độ canxi huyết thấp ở những người không có đủ lượng canxi trong chế độ ăn uống.

Điều trị chấn thương

Bên cạnh đó, cua đồng còn được sử dụng trong y học cổ truyền với tác dụng sinh phong liền gân nối xương khớp và chữa ứ huyết khi bị chấn thương.

Giải nhiệt cơ thể

Vị mặn và tính hàn có trong cua đồng có tác dụng giải nhiệt cơ thể nên được nhiều người sử dụng để nấu các món ăn giúp thanh nhiệt trong những ngày hè nóng bức.

Điều trị kén ăn khó ngủ

Không chỉ vậy, với những thành phần dinh dưỡng dồi dào mà cua đồng mang lại, nó còn được đông y sử dụng như một vị thuốc có tác dụng chữa tâm trạng bồn chồn, kén ăn, ít ngủ.

Chữa vết thương

Người ta sử dụng cua đồng giã nát đun sôi với rượu và lấy bã đắp vào chỗ bị thương để chữa các vết thương đụng dập, lở loét.

Trong y học cổ truyền, cua đồng được dùng như sau:

– Chữa trẻ nhỏ còi xương, chậm biết đi: Cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, rang nhỏ lửa cho vàng và khô, tán bột. Dùng 15 g – 20 g khuấy với bột gạo, cho trẻ ăn trong ngày.

– Chữa vết thương đụng dập, lở loét: Cua đồng 2 con giã nát, rượu 1 chén, cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống, bã đắp vào chỗ đau.

– Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: Rau nhút 1 – 2 nắm bỏ rễ, cạo bỏ phần bấc, ngắt đoạn, rửa sạch; khoai sọ 300 g – 400 g cạo vỏ, xắt nhỏ; cua đồng 200 g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, gạn lấy nước. Cho khoai sọ vào nước cua nấu chín, khi gần chín, cho rau nhút vào, đun sôi tiếp 5 – 10 phút. Ăn trong ngày, dùng 2 – 3 ngày.

– Giải nhiệt mùa hè trị lở ngứa: Cua đồng 200 g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; mướp hương 1 – 2 trái cạo vỏ, rửa sạch, cắt miếng; rau đay và mồng tơi tươi mỗi thứ 100 g rửa sạch, cắt đoạn. Đun sôi nước cua và cho các loại rau vào, đến khi mướp chín là được.

– Trị viêm thận cấp: Cua đồng 250 g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; vỏ cây dâu 50 g rửa sạch, cắt đoạn. Đem tất cả nấu thành canh, uống nước.

– Trị trướng bụng, chứng phù tim: Cua đồng tươi nấu cháo, ăn nóng.

– Chữa sưng tấy: Mai cua 10 g sao vàng, vảy tê tê 10 g sao phồng rộp; gai bồ kết 10 g phơi sấy khô. Tất cả tán bột, uống với rượu.
Nguồn amthuc.com.vn