Tầm gửi và những công dụng hữu ích sử dụng trong y học

0
113

Tầm gửi là loại cây sống ký sinh ở trên các loại cây thân gỗ. Loại cây này từ xa xưa đã được người dân ứng dụng trong y học để chữa nhiều loại bệnh khác nhau như: hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp, điều trị sỏi đường tiết niệu… Ngày nay, tác dụng trong y học của tầm gửi ngày càng được công nhận và nghiên cứu rộng rãi. Để biết thêm công dụng và cách sử dụng hợp lí loại dược liệu này, mời các bạn tham khảo bài viết sau đây.

Cây tầm gửi là gì?

Đây là loại cây sống ký sinh trên các loại cây khác, thường mọc bò hoặc leo bám lên bề mặt thân gỗ như Gạo, bưởi, dâu, mít,..

Đặc điểm thực vật

Tên gọi, danh pháp

Tên gọi khác: Cây chùm gửi, Ký sinh cây gạo, tang ký sinh, liễu ký sinh, mộc vệ trung quốc,…

Tên khoa học: Taxillus chinensis (DC.), Danser ( Loranthus chinensis DC.)

Thuộc họ Tầm gửi – Loranthaceae
Tầm gửi kí sinh trên các loại cây gỗTầm gửi kí sinh trên các loại cây gỗ

Mô tả

Cây nhỏ, các nhánh non vàng vàng rồi không lông và có lỗ bì trắng. Lá có hình oval hoặc hình mác, mọc đối xứng. Mép lá nguyên, lúc non có lông ở gân, chóp thuôn. Lá xanh có thể tự quang hợp.

Cụm hoa xim ở nách, mọc thành từng cụm, cuống hoa ngắn hay dài, hoa đơn tính hoặc lưỡng tính. Hoa dài 1,5-2cm, xanh ở ngoài, đỏ ở trong, có 4 nhị. Quả mọng tròn hay tròn dài có ụ cao 6-8mm, có 1 hạt. Hầu hết hạt của loại cây này sẽ được phủ bởi lớp chất lỏng sền sệt phía trên bề mặt để chúng bám được trên cây chủ. Cây ra hoa vào mùa hè khoảng tháng 8-9 và quả tháng 9-10.

Rễ cây tầm gửi thuộc loại rễ giác mút vì vậy cây có khả năng bám chặt vào cây chủ để kí sinh. Rễ cây bám chặt và có thể hút các nguồn dinh dưỡng từ cây chủ để tự nuôi mình.

Bộ phận dùng

Toàn cây, toàn bộ cành, lá và thân đều dùng làm thuốc

Nơi sống và thu hái

Loài phân bố ở Trung Quốc, Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Ở nước ta, cây thường mọc trong rừng bám vào các cây gỗ ở nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Quảng Nam- Ðà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Gia Lai tới các tỉnh Lâm Ðồng, Khánh Hoà và Ninh Thuận.

Thu hái toàn cây quanh năm, cắt ngắn cây và phơi khô. Khi bảo quản cần để nơi thoáng mát, thường xuyên kiểm tra và phơi nắng lại.
Cây tầm gửi hút chất dinh dưỡng từ cây chủCây tầm gửi hút chất dinh dưỡng từ cây chủ

Thành phần hóa học

Cành, lá có chứa các chất avicularin và quercetin.

Tính vị, tác dụng

Vị đắng, ngọt, tính bình; quy vào kinh Thận và Can. Có tác dụng bổ ích gan thận, mạnh cân xương, khư phong thấp, an thai.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Thường dùng trị phong thấp tê bại, lưng gối mỏi đau, gân xương nhức mỏi, thai động không yên, đau bụng, huyết áp cao. Liều dùng 12-20g sắc uống. Ở Quảng Tây (Trung Quốc), toàn cây dùng trị phế nhiệt sinh ho, phong thấp tê đau; thân, lá dùng trị đòn ngã tổn thương.

Các loại cây tầm gửi thường được sử dụng hiện nay

Tầm gửi trên cây dâu

Có tên khoa học là Loranthus gracilifolius Schult là thường được sử dụng trong điều trị bệnh nhất  với tên thuốc là tang ký sinh. Là loại cây nhỏ, thường xanh kí sinh trên cây dâu tằm nhờ rễ mút. Tang kí sinh phân bố dựa vào nơi trồng cây dâu tằm.

Tang kí sinh thường được dùng để chữa phong thấp, gân cốt tê mỏi, sưng đau, lưng gối đau mỏi. Liều dùng 12-20g/ ngày. Trong y học Trung Quốc, cây này có tác dụng kích thích tạo máu, an thai, tăng sức khỏe người bệnh mãn tính. Tang kí sinh còn được dùng chữa tăng huyết áp, bại liệt ở trẻ em, động thai, thiếu sữa…

Thành phần hóa học trong thân, lá Tang ký sinh có Quercetin, Avicularin. Lá còn chứa Quercitrin, d-catechin, và Hyperosid. Theo Chen Xihong và cs, 1992: Tang ký sinh có chứa Lectin với lượng đường là 14%. Lượng Acid amin gốc acid cao, lượng ít các Acid amin, base

Tác dụng dược lí: Khi được thử nghiệm trên động vật. Cao lỏng tang kí sinh có tác dụng làm hạ huyết áp, giãn mạch ngoại biên, giảm nhu động ruột, an thần, tăng thời gian ngủ.
Vị thuốc tang kí sinhVị thuốc tang kí sinh

Tầm gửi gạo

Vị ngọt nhẹ, đắng, tính bình. Quy kinh Thận và Can.

Theo đông y loại tầm gửi này có tác dụng nâng cao sức khỏe, bổ thận, thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, mạnh gân cốt và tiêu viêm. Thường được dùng để chữa đau nhức xương khớp, huyết áp cao, sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh phong thấp,…

Theo y học hiện đại trong cây tầm gửi gạo chứa catechin có tác dụng ngăn ngừa hình thành sỏi canxi nên được dùng để điều trị sỏi tiết niệu. Các thành phần hóa học alpha-tocopherol, afzeline, trans-phytol, catechin,… có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ. Polysaccharide trong tầm gửi gạo khi được phân tách có tác dụng điều hòa miễn dịch và chống oxy hóa.

Tầm gửi trên cây chanh

Khi mọc trên cây chanh, loại cây này dùng để điều trị được chứng ho như ho khan, ho có đờm, ho gió.

Tầm gửi trên cây dẻ

Vị đắng tính bình, có tác dụng giải biểu. Được dùng để điều trị cảm mạo, thấp khớp, viêm họng, viêm dạ dày hay dị ứng.

Tầm gửi lá nhỏ

Còn gọi là tiểu diệp tang kí sinh: Thường được sắc uống để điều trị đau lưng, mỏi gối, mụn nhọt, làm mọc tóc. Quả sắc uống có tác dụng kích thích mọc tóc. Ngoài ra một số nơi ở Trung Quốc người ta dùng để trị chấn thương do té ngã.

Một số bài thuốc thường dùng

Động thai đau bụng

Tang kí sinh 60g, cao ban long nướng thơm 20g, nước thơm 20g, ngải diệp 3 chén khoảng 600ml. Sắc còn 1 chén 200ml, chia nhiều lần uống trong ngày.

Tăng huyết áp

Tang kí sinh 16g, chi tử, ngưu tất, câu đằng, ý dĩ, mã đề mỗi loại 12g, trạch tả, xuyên khung mỗi vị 8g sắc uống.

Chữa thấp khớp đau nhức

Tang kí sinh 12g, đảng sâm 20g, hoài sơn 16g, kê huyết đằng, đan sâm, xích thược, thục địa, thổ phục linh, thiên niên kiện, khương hoạt, độc hoạt, đỗ trọng, mỗi loại 12g, ngưu tất 10g, nhục quế 8g sắc uống .

Ngày nay tầm gửi được nghiên cứu và phát triển thành các loại thuốc khác nhau, nhưng không phải loại tầm gửi nào cũng có thể sử dụng làm thuốc. Tùy theo kí sinh trên loại cây nào, nếu kí sinh trên các loại cây độc hại như lim, trúc đào… khi sử dụng có thể có hại cho cơ thể. Để hiểu và sử dụng đúng về cách dùng tầm gửi, các bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.