Thiên niên kiện là cây gì? Tác dụng và bài thuốc từ Thiên niên kiện
Thiên niên kiện là một loại dược liệu quý được sử dụng trong các bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp. Cùng Medigo tìm hiểu rõ hơn về Thiên niên kiện, tác dụng và những bài thuốc từ cây Thiên niên kiện ngay trong bài viết này.
Nội dung chính
Thiên niên kiện là cây gì?
Tác dụng của Thiên niên kiện
Bài thuốc từ Thiên niên kiện
Lưu ý khi sử dụng Thiên niên kiện
Thiên niên kiện là cây gì?
Thiên niên kiện hay còn được gọi là Bao kim, Vắt vẻo, Sơn thục… tên khoa học là Homalomena occulta, thuộc họ Ráy (Araceae).
Đặc điểm Thiên niên kiện
Thiên niên kiện là cây sống lâu năm, có thân rễ mập, màu xanh.
Lá cây mọc so le, có cuống dài, màu xanh, mềm, nhẵn, phía dưới cuống nở rộng thành bẹ có màu vàng nhạt. Phiến lá hình đầu mũi tên, đầu nhọn, mép nguyên. Mặt trên của lá có màu đậm hơn, hai mặt đều nhẵn, gân ở hai mép đều hướng về phía đỉnh lá.
Cụm hoa là những bông mo, có mo màu xanh, dài 4-6cm, không rụng; buồng 3-4cm, ngắn hơn mo; bầu chứa nhiều noãn. Quả mọng thuôn, chứa nhiều hạt có rạch.
Cây mọc hoang rất nhiều ờ các miền rừng núi của nước ta. Loài cây này ưa những nơi ẩm ướt, cạnh suối hay dọc theo suối.
Bộ phận dùng
Dược liệu là phần thân rễ, đoạn thẳng hay cong queo. Phiến có nhiều xơ, chắc, cứng, dài 10 cm đến 30 cm, đường kính 1 cm đến 1,5 cm, hai đầu đều nhau. Mặt ngoài có màu nâu nhạt hay nâu sẫm, nhiều nếp nhăn dọc hay vết tích của rễ con. Bề ngang dược liệu hơi dai, vết cắt có màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm, có một số sợi màu vàng ngà lởm chởm như bàn chải. Ngửi có mùi thơm hắc, vị cay.
Thu hái và chế biến
Thiên niên kiện được khai thác quanh năm.
Thu hái những thân rễ già, rửa sạch, bóc loại bỏ vỏ ngoài và các rễ con. Cắt thành đoạn ngắn 10 đến 30 cm. Sấy nhanh ở nhiệt độ khoảng 50 °C cho khô đều mặt ngoài. Bóc bỏ vỏ ngoài và rễ con. Tiếp tục phơi hoặc sấy ở 50 °C đến 60 °C cho đến khô.
Thành phần hoá học
Rễ của Thiên niên kiện chiết xuất được rất nhiều hợp chất sesquiterpenoid.
Trong thân rễ có khoảng 0,8-1% tinh dầu tính theo rễ khô kiệt. Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu. Trong tinh dầu có chừng 40% l-linalol, một ít terpineol và chừng 2% este tính theo linalyl acetat. Ngoài ra còn có sabinen, limonen, a-terpinen, acetaldehyt, aldehyd propionic.
Tác dụng của Thiên niên kiện
Thiên niên kiện có tác dụng trong hỗ trợ điều trị các trường hợp như:
Phong tê thấp, đau mỏi cổ, vai gáy, nhức mỏi xương khớp, tê bì chân tay hoặc co quắp, tê bại đặc biệt ở người cao tuổi
Thoái hóa xương khớp, gai đốt sống, vôi hóa đốt sống
Bệnh đau dạ dày, kích thích tiêu hóa, giúp giảm tình trạng đau bụng kinh
Ngoài ra, tinh dầu thiên niên kiện có mùi thơm dịu nhẹ được dùng làm hương liệu trong kỹ nghệ nước hoa.
Bài thuốc từ Thiên niên kiện
Một vài bài thuốc từ dược liệu Thiên niên kiện:
1.Chữa tê thấp, nhức mỏi gân cốt
Dùng thiên niên kiện 12g, cỏ xước 12g, thổ phục linh 12g, độc lực 8g, cam thảo 6g, ngưu tất 12g, thương truật 10g. Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.
2. Chữa thoái hóa cột sống
Dùng thiên niên kiện 12g, đỗ trọng 12g, thổ phục linh 12g, quế chi 6g, cam thảo 8g, ngưu tất 12g, thương truật 12g, đại táo 12g, tần giao 8g, ý dĩ 10g, xuyên khung 10g, kỷ tử 10g. Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.
Thiên niên kiện dạng thuốc ngâm rượu uống (liều dùng 6 – 12g).
3. Chữa phụ nữ đau bụng kinh
Dùng thiên niên kiện 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 12g, hồng hoa 6g, đào nhân 6g, đỗ trọng 12g, cam thảo 8g, ngưu tất 12 g, đại táo 12g, nhân trần 10g, ích mẫu 10g, ý dĩ 10g, xuyên khung 10g, kỷ tử 10g, liên nhục 10g, toan táo nhân 8g. Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.
4. Chữa viêm khớp, đau khớp mạn tính
Bài thuốc 1: Thiên niên kiện: 10g; mộc qua: 20g; ngưu tất: 10g; hy thiêm: 20g. Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.
Bài thuốc 2: Thiên niên kiện: 10g; rễ cây cỏ xước: 40g; ngải cứu: 10g; hy thiêm: 20g; thương nhĩ tử: 10g; thổ phục linh: 20g. Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.
Bài thuốc 3: Thiên niên kiện: 10g; cốt toái bổ: 10g; bạch chỉ: 8g. Sắc uống ngày 01 thang, chia 3 lần.
5. Chữa chứng dị ứng, mẩn ngứa
Thiên niên kiện: 10g; sả: 10g; gừng tươi: 10g. Sắc uống ngày 01 thang chia 3 lần. Có thể dùng bã để thoa vào vị trí bị ngứa như vậy sẽ tăng hiệu quả cho bài thuốc. Thực hiện đều đặn trong vòng 2-3 ngày, tình trạng mẩn ngứa, dị ứng sẽ giảm rõ rệt
6. Chữa mụn nhọt, mụn độc
Rửa sạch lá thiên niên kiện, giã nát lá, trộn đều với muối hạt rồi đắp lên đầu mụn. Đắp mỗi ngày cho đến khi mụn lặn hẳn.
7. Thiên niên kiện ngâm rượu
Rượu thiên niên kiện vừa có thể bảo quản được trong một thời gian dài vừa tăng thêm công dụng chữa trị bệnh: Thiên niên kiện: 100g; ngưu tất: 100g; câu kỷ tử: 100g; đỗ trọng 100g, thục địa 200g, bạch thược 100g, đại táo 200g, đảng sâm 100g, đương quy 100g, rượu trắng 5 lít.
Rượu thiên niên kiện chữa đau lưng, mỏi gối, đau nhức xương khớp, tê bì chân tay.
Tất cả đổ vào bình ngâm khoảng 30 ngày là dùng được, mỗi ngày uống một chén móng (khoảng 20 ml), khi ăn, buổi tối.
Phụ nữ có thai không dùng rượu thiên niên kiện.
Lưu ý khi sử dụng Thiên niên kiện
Không nên dùng dược liệu này đối với người âm hư nội nhiệt, táo bón, nhức đầu.
Khi dùng thiên niên kiện khô để ngâm rượu không nên cho quá nhiều và không nên uống quá 2 chén/ ngày vì có thể gây ra ngộ độc, nôn ói, chóng mặt, đau đầu.
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng.
Thiên niên kiện là dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và tránh được những tác dụng không mong muốn.