Nội tạng động vật thường là những bộ phận được chế biến thành các món ăn hấp dẫn, bổ dưỡng. Tuy nhiên, những bộ phận này vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe nhất định.
Nội tạng động vật là gì?
Thịt nội tạng hay còn gọi là nội tạng động vật, bao gồm các cơ quan của động vật mà con người sử dụng làm thực phẩm để chế biến và tiêu thụ. Các loại động vật phổ biến nhất mà con người sử dụng nội tạng của chúng là bò, lợn, cừu, dê, gà và vịt.
Trong thời đại hiện đại, đa số các loài động vật được nuôi theo hướng tích nạc, dẫn đến việc thịt nội tạng thường bị bỏ qua. Thay vào đó, các loại thịt phổ biến như thịt thăn thịt đùi hoặc thịt xay được ưa chuộng hơn.
Tuy nhiên, thịt nội tạng như não, ruột và thậm chí cả tinh hoàn, thực sự được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng. Ngoài việc cung cấp một nguồn cung cấp giàu chất dinh dưỡng bao gồm vitamin B12, folate, sắt và protein, thịt nội tạng cũng đóng vai trò quan trọng trong các bữa ăn hàng ngày.
Một số loại nội tạng động vật phổ biến bao gồm: Gan, lưỡi, tim, thận, lá lách, dạ dày.
Nội tạng động vật như tim, gan thường được dùng làm thực phẩm
Thành phần dinh dưỡng của thịt nội tạng
Các thành phần dinh dưỡng của các loại thịt nội tạng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguồn động vật và loại nội tạng. Tuy nhiên, hầu hết các loại thịt này đều cực kỳ giàu dinh dưỡng.
Thịt nội tạng đặc biệt giàu vitamin B, bao gồm vitamin B12 và folate, cũng như chứa các khoáng chất như sắt, magiê, selen và kẽm. Ngoài ra, chúng còn cung cấp các vitamin tan trong chất béo quan trọng như vitamin A, D, E và K. Chất béo trong thịt nội tạng cũng giúp hấp thụ các vitamin tan trong dầu vào cơ thể.
Thịt nội tạng cung cấp một nguồn protein đa dạng, bao gồm tất cả chín axit amin thiết yếu mà cơ thể cần để hoạt động hiệu quả.
Ví dụ, trong 100 gram gan bò nấu chín cung cấp: 175 Kcal, 27 gram đạm, 1.386% RDI (Lượng hấp thụ hàng ngày khuyến nghị) vitamin B12, 730% RDI đồng, 522% RDI vitamin A, 201% RDI riboflavin, 87% RDI niacin, 51% RDI vitamin B6, 47% RDI selenium, 35% RDI kẽm và 34% RDI sắt.
Nội tạng động vật chứa nhiều vitamin B
Lợi ích thịt nội tạng trong chế độ ăn
Các lợi ích của việc sử dụng thịt nội tạng trong chế độ ăn bao gồm:
- Cung cấp sắt: Thịt chứa sắt hem, có khả năng hấp thụ sinh học cao hơn sắt không phải hem từ thực phẩm thực vật, giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn.
- Giúp cảm thấy no lâu hơn: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu protein có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và kéo dài thời gian cảm giác no, đồng thời thúc đẩy quá trình giảm cân bằng cách tăng tỷ lệ trao đổi chất.
- Duy trì khối lượng cơ bắp: Thịt nội tạng là nguồn protein chất lượng cao, quan trọng để xây dựng và duy trì khối lượng cơ.
- Nguồn cung cấp choline tốt: Thịt nội tạng là một trong những nguồn cung cấp choline tốt nhất, chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sức khỏe của não, cơ và gan.
Ăn nội tạng giúp duy trì khối lượng cơ bắp
Có nên ăn nội tạng động vật thường xuyên không?
Mặc dù ăn thịt nội tạng mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng có những mặt trái cần được lưu ý. Vì vậy, những người có bệnh mạn tính cần thận trọng trước khi thêm thịt nội tạng vào chế độ ăn của họ và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị. Người khỏe mạnh cũng nên hạn chế tiêu thụ thịt nội tạng, không nên ăn thường xuyên để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thịt nội tạng có hàm lượng cholesterol cao, không phân biệt nguồn gốc động vật. Ví dụ, trong 100 gram óc bò chứa đến 1,033% lượng cholesterol trong khẩu phần ăn hàng ngày, trong khi thận và gan có lần lượt là 239% và 127%. Một số người chiếm khoảng 30% dân số nhạy cảm với cholesterol trong chế độ ăn uống. Đối với những đối tượng này, việc tiêu thụ thực phẩm giàu cholesterol có thể làm tăng tổng lượng cholesterol. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo người dân chỉ nên bổ sung lượng chất béo bão hòa bằng 5 – 6% năng lượng cơ thể cần mỗi ngày
Lòng lợn thường chứa nhiều ký sinh trùng, vì vậy việc chế biến không sạch hoặc không nấu chín kỹ có thể tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng (như giun, sán) sang người.
Đặc biệt, khi sử dụng thịt nội tạng động vật không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo chất lượng, có thể gây nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu, dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nôn ói và các vấn đề sức khỏe khác.
Một số lưu ý khi sử dụng nội tạng động vật
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi ăn nội tạng động vật:
- Hầu hết các loại nội tạng động vật đều an toàn nếu được tiêu thụ ở tần suất thấp. Tuy nhiên, đối với những người thường xuyên ăn gan, thận, lòng,… từ động vật và coi đó là món ăn hàng ngày cần xem xét các nguy cơ sức khỏe.
- Trong số các loại nội tạng, tim là loại chứa ít chất gây hại cho sức khỏe nhất (ngoài việc chứa nhiều cholesterol). Bạn có chế biến tim như các loại thịt khác mà vẫn giữ nguyên hương vị và dinh dưỡng.
- Chỉ nên mua nội tạng từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và chế biến đảm bảo vệ sinh, nấu chín kỹ. Tuyệt đối không được ăn nội tạng còn sống bởi chúng chứa nhiêu vi khuẩn, ký sinh trùng.
- Lượng sử dụng nội tạng động vật cần phù hợp với từng người: Người trưởng thành nên ăn 2 – 3 lần trong tuần (khoảng 50 – 70g/lần), trẻ em nên ăn tối đa 2 lần/tuần (khoảng 30 – 50g/lần).
- Khi bảo quản, hãy đặt thực phẩm đã nấu chín ở nơi sạch sẽ và cao ráo, không để chung với thực phẩm sống, để tránh lây nhiễm từ các nguồn thực phẩm bẩn khác.
- Người cao tuổi, người mắc các bệnh tim mạch, rối loạn đường huyết, béo phì tốt nhất nên hạn chế sử dụng các món ăn chế biến từ nội tạng động vật.
Lựa chọn nội tạng động vật có nguồn gốc rõ ràng
Nội tạng động vật là một món ăn bổ dưỡng, kích thích vị giác. Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ những lưu ý khi chế biến và thưởng thức nội tạng động vật để tránh những nguy hại cho sức khỏe.