Diễn biến lạ trên thị trường khi giá vàng nhẫn liên tục vượt đỉnh

0
159

Trong bối cảnh giá vàng thế giới lập kỷ lục mới 2.638 USD/ounce, giá vàng nhẫn trong các ngày gần đây đã tăng theo cả triệu đồng/lượng và trở nên khan hiếm.

Ngày 24/9/2024, báo Người lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Diễn biến lạ trên thị trường khi giá vàng nhẫn liên tục vượt đỉnh lịch sử”. Nội dung cụ thể như sau:

Sáng 24-9, giá vàng nhẫn lên tới 81,6 triệu đồng/lượng

Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng phi mã, vượt xa ngưỡng 2.600 USD/ounce, giá vàng nhẫn trong nước cũng liên tục vượt các mốc quan trọng 80 triệu rồi 81 triệu đồng mỗi lượng.

Đến sáng nay, 24-9, giá vàng nhẫn do Công ty SJC sản xuất được mua vào ở mức 80 triệu đồng/lượng, bán ra 81,3 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với mức giá bán ra cuối tuần trước là 79,2 triệu đồng/lượng.

Tại các công ty kinh doanh vàng Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, Mi Hồng …, giá vàng nhẫn được các công ty này mua vào – bán ra, cao hơn Công ty SJC khoảng 100.000-200.000 đồng/lượng. Đặc biệt, giá vàng nhẫn bán ra tại Công ty vàng AJC mua vào lên tới 80,5 triệu đồng/lượng, bán ra 81,6 triệu đồng/lượng.

Riêng vàng nhẫn 99,99 do các tiệm vàng sản xuất có giá mua vào 79,8 triệu đồng/lượng, bán ra 81,2 triệu đồng/lượng.

Với các mức giá trên, người đã từng mua vàng trong thời gian gần đây lãi khá lớn. Chị Lê Thị Diệp (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết cách đây 2 tháng đã mua 10 chỉ (1 lượng) vàng nhẫn do Công ty SJC sản xuất với giá 75-76 triệu đồng/lượng và đến nay chị bán ra thu về lợi nhuận gần 5 triệu đồng.

Tương tự, ông Lê Thành Nhân (quận 12, TP HCM) thường xuyên mua – bán vàng nhẫn cho hay ông đang có cơ hội thu về lợi nhuận lớn nếu bán hết số vàng nhẫn mà ông đã mua vào từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, nguồn cung vàng nhẫn hết sức hạn chế vì rất ít người dân bán ra. Nhân viên các cửa hàng của Công ty SJC cho hay công ty mua vào được bao nhiêu chỉ vàng nhẫn là bán hết cho khách nhưng mỗi người chỉ được mua 1 chỉ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, giá vàng nhẫn tăng vọt nhưng người mua không dễ dàng. Một số doanh nghiệp, tiệm vàng thông báo hết vàng nhẫn từ nhiều tháng nay. Chị Bích Thanh, ngụ quận Bình Thạnh, cho biết chị muốn mua 1 lượng vàng nhẫn để dành nhưng qua một số cửa hàng của Công ty PNJ đều thông báo hết. Mua ở tiệm vàng gần nhà thì chị không yên tâm.

“Đặt mua vàng miếng SJC online phải điền đầy đủ thông tin cá nhân, có đủ số dư trong tài khoản mua vàng tại thời điểm đăng ký và yêu cầu phải có tài khoản mở tại chính ngân hàng” – chị Thanh kể.

Ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc – Đá quý AJC (Hà Nội), cho biết trong vòng 1 tháng qua, trong số 10 người giao dịch vàng nhẫn chỉ có 3 người bán. Thế nên, công ty mua vào được bao nhiêu là bán sạch. Do đó, có nhiều thời điểm khác hàng hỏi mua, công ty phải hứa hẹn khi có hàng sẽ gọi điện thoại đến giao dịch.

Trong khi đó, theo ông Lê Chánh, chủ tiệm một tiệm vàng (TP HCM), vài tháng gần đây người dân đã “bỏ lơ” vàng miếng SJC, chuyển sang nắm giữ vàng nhẫn. Trong khi đó, Việt Nam không nhập khẩu vàng nguyên liệu, các cơ quan chức tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, làm cho các đối tượng chuyên cung cấp vàng không có nguồn gốc im hơi lặng tiếng.

“Điều này làm cho một số doanh nghiệp, chủ tiệm vàng không có nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn, đồng thời do rất ít người dân gần bán ra nên không ít đơn vị không đủ hàng đáp ứng nhu cầu khách hàng”- ông Chánh nói.

Cùng ngày, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng nhẫn lên kỷ lục: Người lãi chưa từng thấy, người tiếc vì không mua”. Nội dung cụ thể như sau:

Vàng nhẫn xô đổ kỷ lục

Giá vàng nhẫn trơn trên thị trường liên tục tăng thời gian gần đây, xác lập kỷ lục mới hơn 81 triệu đồng/lượng và áp sát vàng miếng SJC. Hôm nay (23/9) đã là ngày thứ 3 liên tiếp vàng nhẫn trơn tăng mạnh theo diễn biến thế giới.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn tại 79,5-80,8 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Còn tại các thương hiệu khác, giá vàng nhẫn sáng nay đã vượt 81 triệu/lượng.

Như tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá mua bán nhẫn trơn tại 79,95-81,1 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng hơn nửa triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu nâng giá vàng nhẫn lên gần 80-81,1 triệu đồng/lượng (mua – bán). Bảo Tín Mạnh Hải cũng niêm yết giá ở mức 79,98-81,08 triệu đồng/lượng (mua – bán)

Trong khi đó, giá mua bán vàng miếng SJC hôm nay vẫn đi ngang, được các doanh nghiệp giao dịch quanh 80-82 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch giữa giá nhẫn trơn và vàng miếng được thu hẹp đáng kể.

Giá các đơn vị mua vào vàng nhẫn từ người dân hiện ngang với vàng miếng SJC hoặc chỉ kém nửa triệu một lượng. Còn ở chiều bán ra thị trường, giá nhẫn trơn chỉ kém gần 1 triệu so với vàng miếng. Hồi tháng 7, có thời điểm giá vàng nhẫn còn đắt hơn vàng miếng SJC.

Giá vàng nhẫn bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 10 năm ngoái và ngày càng nới rộng đà tăng. Chỉ riêng từ đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn đã tăng hơn 17,85 triệu đồng, tương đương hiệu suất sinh lời hơn 28%. Trong khi đó, vàng miếng ghi nhận mức sinh lời chỉ 8%, sau các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để “bình ổn” giá.

Đà tăng của kim loại quý được thúc đẩy với nhiều yếu tố, từ nguồn cung eo hẹp của thị trường trong nước, nhu cầu tăng lên trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm cho tới sự cộng hưởng với giá thế giới khi thị trường quốc tế có nhiều phiên lập kỷ lục. Trong khi vàng miếng SJC có thời điểm đã “đổ đèo” do chính sách của Ngân hàng Nhà nước thì vàng nhẫn vẫn liên tục vượt trội về tỷ suất sinh lời so với các kênh đầu tư khác.

Như chứng khoán, đây vẫn là kênh hút dòng tiền với tỷ suất sinh lời ở mức tốt. Song tính từ đầu năm, chỉ số đại diện thị trường tăng khoảng 12,3%. Từ mức 1.130 điểm hồi cuối năm ngoái, VN-Index hiện đạt 1.268 điểm.

Bất động sản là một trong những kênh đầu tư truyền thống song chưa có chỉ số mang tính đại diện để có thể so sánh với các kênh đầu tư khác.

Trừ một số giai đoạn lãi suất tăng nóng, thông thường gửi tiết kiệm cũng khó có khả năng sinh lời cao. Người gửi tiết kiệm với kỳ hạn 9 tháng đầu năm chỉ mang lại mức lãi suất từ 4%/năm đến 5%/năm, thấp hơn nhiều so với mua vàng nhẫn.

Người tiếc đứt ruột, người vui vì lãi lớn

Diễn biến tăng nhanh của vàng nhẫn khiến gây ra nhiều cảm xúc trái ngược nhau của giới mua vàng. Người vui vì đã kịp mua vàng nhẫn tích trữ, kẻ buồn vì đứng ngoài diễn biến tăng nóng này.

Thời điểm đầu tháng 4, khi giá vàng nhẫn chạm mốc 77 triệu đồng/lượng, chị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) đem 7 chỉ vàng ra cửa hàng bán “chốt lời”. Thời điểm đó, chị Trang vui vì lãi tới 15% so với lúc mua. Nhưng chị không thể tin, đến hiện tại, giá vàng nhẫn lên tới hơn 81 triệu đồng/lượng.

Giống chị Trang, anh Quân (Hoài Đức, Hà Nội) cũng từng chốt lời 13 chỉ vàng nhẫn hồi giữa tháng 4. “Cơn sốt vàng” đẩy giá kim loại quý này liên tục khiến anh không dám mua lại vì sợ sẽ “đu đỉnh”. Anh cũng không thể ngờ giá vàng nhẫn có ngày vượt 81 triệu đồng/lượng. Với anh, đây là mức cao “chưa từng thấy”.

Khi bàn đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, vàng thường được nhắc đến như một tài sản phòng thủ tốt. Không ít nhà đầu tư đổ xô vào kim loại quý này trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Không giống như cổ phiếu hoặc trái phiếu, vàng được cho là sẽ giữ giá trị ở hầu hết mọi nền kinh tế.

Trần Ngọc Phong Chi (quận Tân Bình, TPHCM) bày tỏ mừng rỡ khi anh vừa kịp mua một lượng vàng nhẫn tròn trơn tại vùng giá 79 triệu đồng/lượng, trước ngày giá mặt hàng này tăng lên vùng giá cao kỷ lục mới 80,8 triệu đồng/lượng.

“Từ đầu tháng 9, tôi đã có ý định mua vàng nhẫn để mừng cưới người thân trong gia đình, nhưng nhìn giá vàng nhảy mỗi ngày tôi cứ chần chừ mãi. Còn nhớ, lúc đầu tháng giá vàng nhẫn quanh mốc 78,6 triệu đồng/lượng, vậy mà chỉ sau 2 tuần giá vàng đã cao ngất, tăng hơn gần 4 triệu đồng một lượng”, Phong Chi chia sẻ.

Anh cũng cho biết việc tìm mua mặt hàng này tại TPHCM cũng không phải là dễ, phải đi đến cửa hàng thứ 3, đặt cọc hẹn sau một tuần mới có hàng.

Anh nói giá vàng nhẫn tại SJC và một số đơn vị tư nhân khác cũng có sự chênh lệch về giá. Theo đó, một số thương hiệu tư nhân giá nhỉnh hơn 300.000-500.000 đồng/lượng so với vàng nhẫn SJC.

Vàng nhẫn ngày càng đắt (Ảnh: Mạnh Quân).

Vì sao vàng nhẫn tăng mạnh?

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, vàng nhẫn trơn có độ nguyên chất 99,99%, thường được dùng với mục đích làm quà tặng và tích trữ đầu tư hơn là làm trang sức đeo hằng ngày.

Về bản chất, vàng nhẫn trơn có chất lượng tương tự như vàng miếng. Cùng hàm lượng như nhau song nhẫn tròn trơn không bị gắn mác độc quyền bởi Nhà nước, thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng. Điều này dẫn đến việc vàng nhẫn ngày càng đắt trong thời gian qua.

Ông dẫn chứng, vàng nhẫn trơn nhiều thời điểm từ đầu năm cũng đã gặp tình trạng “khan hàng”. Đơn cử, giai đoạn sau Tết Nguyên đán hay ngày vía Thần Tài, nhiều cửa hàng của các thương hiệu lớn ở Hà Nội và TPHCM đã báo hết hàng. Không ít khách tới hỏi mua nhưng bỏ về hoặc chuyển qua loại vàng khác khi nhân viên cho biết mặt hàng không còn dồi dào. Các đơn vị kinh doanh kim loại quý cũng giới hạn mỗi người mua tối đa một chỉ hoặc 5 chỉ, tùy cửa hàng.

Nguyên nhân khác khiến vàng nhẫn “sốt nóng” do một bộ phận người dân chuyển dịch từ mua vàng miếng sang vàng nhẫn, khi họ đang chờ đợi các quy định mới về việc có độc quyền vàng miếng SJC hay không.

Còn theo chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân Lê Xuân Huy, lý do khiến giá vàng nhẫn trơn trong nước liên tục lập đỉnh do vàng nhẫn trơn là mặt hàng có diễn biến giá bám sát với biến động của giá vàng thế giới.

Do đó, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức hạ lãi suất lần đầu tiên giảm lãi suất cơ bản kể từ 2020, giá vàng thế giới đã lập đỉnh mới và kéo theo giá vàng nhẫn trơn trong nước tăng mạnh. Lãi suất thấp có lợi cho vàng, do công cụ này không trả lãi cố định.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC có sự điều tiết từ Ngân hàng Nhà nước nên dù có tăng giá theo giá vàng thế giới nhưng chưa thể tăng mạnh lên vùng đỉnh được thiết lập hồi tháng 5.

Thị trường vàng diễn biến “nóng” thời gian gần đây (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trên thị trường, tình trạng khan hiếm vàng nhẫn và vàng miếng thương hiệu SJC từ đầu năm tới nay đến từ việc nhu cầu mua vàng để đầu tư và tích trữ của người dân là rất lớn trong khi đó nguồn cung vàng lại khan hiếm.

Ông Huy cho rằng, trong giai đoạn này nhà đầu tư nếu có nhu cầu có thể mua vàng nhẫn để đầu tư trong dài hạn. Vàng nhẫn có nguồn cung lớn và có diễn biến giá bám sát nhất với so với giá vàng thế giới. Với lộ trình bắt đầu cắt giảm lãi suất của Fed thì giá vàng thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh vàng nhẫn không bị đặt trong diện “bình ổn” giá, phụ thuộc vào quy luật cung cầu thì khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng nhẫn cũng tăng theo. Ông Hiếu cho rằng, giá vàng thế giới sẽ còn tăng tới 3.000 USD/ounce. Nếu điều đó xảy ra, giá vàng trong nước cũng sẽ lại tăng tiếp.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý thêm, giống như bất kỳ khoản đầu tư nào, hiệu suất đầu tư của vàng có thể dao động theo thời gian. Nhà đầu tư được khuyên thường xuyên xem xét việc nắm giữ vàng và tái cân bằng danh mục để đảm bảo chiến lược đầu tư vẫn phù hợp với mục tiêu của bản thân.

Nếu tỷ lệ vàng trong danh mục đầu tư quá lớn do giá tăng, việc tái cân bằng có thể giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro và duy trì danh mục đa dạng. Không ít chuyên gia đưa ra con số nắm giữ 5-20% danh mục đầu tư cá nhân bằng vàng.

Nguồn : https://sohuutritue.net.vn/dien-bien-la-tren-thi-truong-khi-gia-vang-nhan-lien-tuc-vuot-dinh-lich-su-d239858.html