Cây ruột gà có tác dụng gì?

0
187

Cây ruột gà còn gọi là uy linh tiên hay dây mộc thông, dược liệu được dùng trong các bài thuốc Y Học Cổ Truyền với công dụng hành khí, chỉ thống, trừ thấp, khu phong…

1. Đặc điểm cây ruột gà
Cây ruột gà có tên khoa học là Clematis chinensis – thuộc họ Hoàng liên (Ranunculaceae). Đây là loại thực vật dây leo bụi và có những đặc điểm như sau:

Cây nhỡ mọc trườn, thường mọc thành bụi và nửa thân hóa thành gỗ. Thân cây nhẵn, có cạnh và khía dọc;
Lá cây thuộc loại lá kép, mọc đối, 5 lá chét của cây hình bầu dục có đầu nhọn, gốc lá tròn hoặc hình tim. Hai mặt lá có lông thưa nhẵn, cuống lá dài và xoắn vặn;
Hoa mọc thành cụm ở kẽ lá, các cụm hoa có hình xim. Hoa cây màu trắng, đài có 5 răng và có lông ở mép, nhị hoa nhiều;
Quả cây thuộc loại quả bế, hình trứng dẹt và tận cùng có một vòi nhụy dài gấp 6 – 10 lần bầu, nhụy hoa có lông màu vàng nhạt. Mùa ra hoa của cây vào khoảng tháng 6 – 8 và khoảng tháng 9 – 11 đối với mùa ra quả;
Rễ cây là bộ phận được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh. Dược liệu được thu hái quanh năm, nhưng chất lượng tốt nhất khi thu hái vào mùa thu. Sau khi thu hoạch cắt bỏ rễ con và gốc thân, đem rửa sạch, phơi khô. Vị thuốc sau sơ chế có hình trụ tròn, hơi cong queo và dài khoảng 10 – 20cm, mặt ngoài màu nâu đen, chất chắc giòn, có những vân nhỏ, mặt trong màu trắng, vị hơi đắng và mùi thơm nhẹ. Rễ cây chứa các hoạt chất như anemonin, protoanemonin, clematoside, ranunculin…

Hình ảnh cây ruột gà
Hình ảnh cây ruột gà
2. Cây ruột già có tác dụng gì?
Trong điều trị bệnh, công dụng của cây ruột gà đã được chứng minh ở lĩnh vực Y Học Hiện Đại và Cổ Truyền.

Theo Y Học Cổ Truyền, vị thuốc dây ruột gà mang tính ấm, cay mặn và có công dụng như sau:

Thông kinh lạc;
Chữa đau nhức xương, phong thấp (lưng, gối, chân);
Chữa bụng kết hòn tích đọng, tiêu hóa kém;
Công dụng lợi tiểu;
Lợi sữa, trị kinh nguyệt không đều;
Giải độc rượu;
Chữa thiên đầu thống;
Chữa vàng da, sốt rét;
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh tác dụng của cây ruột gà đối với sức khỏe con người như sau:

Hoạt tính chống ung thư: Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Chinese Medicinal Materials có kết quả: Nghiên cứu in vitro cho thấy hoạt chất saponin chiết xuất từ uy linh tiên có công dụng tiêu diệt các tế bào khối u S 180 A, EAC và Hep A trên chuột thí nghiệm;
Hoạt tính hạ huyết áp: Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chiết xuất nước từ cây ruột gà cho tác dụng hạ huyết áp qua cơ chế tiết histamin;
Hoạt tính kháng viêm mạnh mẽ: Kết quả phân tích các thành phần hóa học từ thân rễ dược liệu dây ruột gà cho thấy có ít nhất 11 hoạt chất có tác dụng kháng viêm dựa trên cơ chế hoạt động ức chế enzyme COX – 1 và COX – 2;
Hoạt tính chống oxy hóa: Nghiên cứu thử nghiệm đã chứng minh tác dụng chống oxy hóa của uy linh tiên qua cơ chế loại bỏ các gốc tự do, giảm hàm lượng MDA và bảo vệ gan khỏi nguy cơ bị tổn thương do oxy hóa.
3. Cây ruột gà trong các bài thuốc chữa bệnh
Từ những tác dụng dược lý đã được nghiên cứu và chứng minh thì cây ruột gà chữa bệnh gì và được sử dụng trong điều trị bệnh như thế nào? Theo đó, vị thuốc này được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh như sau:

3.1. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp
– Bài thuốc 1: Dùng 12g rễ ruột gà, 8g phụ tử chế, 8g quế chi và 8g độc hoạt. Hỗn hợp dược liệu được thái nhỏ, phơi khô và sắc trong 500ml nước đến khi còn khoảng 100ml thì ngưng. Nước thuốc thu được chia làm 2 lần uống trong ngày, người bệnh nên sử dụng bài thuốc trong 15 ngày liên tiếp để đạt hiệu quả cao.

– Bài thuốc 2: Dùng 12g rễ ruột gà, 10g thổ phục linh và 10g phòng kỷ. Tất cả dược liệu đem tán nhỏ và hãm lấy nước uống thay trà mỗi ngày.

– Bài thuốc 3: Dùng 12g mỗi vị thuốc gồm: rễ cây ruột gà, thạch cao, cốt toái bổ, sinh địa, kê huyết đằng, rau má, đan sâm, khương hoạt, hy thiên, thiên hoa phấn, thổ phục linh; 8g bạch chỉ và 4g cam thảo. Hỗn hợp dược liệu được sắc trong 500ml nước đến khi còn khoảng 250ml thì ngưng, chia nước thuốc làm 2 lần uống trong ngày. Một liệu trình điều trị kéo dài trong 3 tuần liên tiếp. Bài thuốc hiệu quả với người bệnh thể nhiệt có triệu chứng sưng khớp, lưỡi vàng và táo bón.

Cây ruột gà chữa đau nhức xương khớp
Cây ruột gà chữa đau nhức xương khớp
3.2. Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau vai gáy
Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 12g mỗi vị thuốc gồm rễ ruột gà, đương quy, hoàng kỳ, sinh khương và bạch thược; 16g mỗi vị thuốc gồm mộc qua, độc hoạt và cát cánh; 10g đại táo; 8g quế chi và 6g cam thảo. Tất cả dược liệu được sắc trong 800ml nước, sắc trong lửa nhỏ đến khi còn khoảng 200ml thì ngưng, chia nước thuốc làm 3 lần uống trong ngày. Liệu trình điều trị kéo dài trong khoảng 1 tuần, người bệnh nên sử dụng đủ thời gian để đạt được hiệu quả điều trị cao.

3.3. Bài thuốc chữa nấc cụt
Dùng 30g mỗi vị thuốc gồm rễ ruột gà và mật ong, đem hãm với nước đun sôi và uống thay trà. Nên uống khi còn nóng để đạt được hiệu quả điều trị cao.

3.4. Bài thuốc trị nhức mỏi lưng khi lao động nặng
Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 12g mỗi vị thuốc gồm độc hoạt, rễ ruột gà, đan sâm, ngưu tất và tang ký sinh; 8g mỗi vị thuốc gồm quế chi, phòng phong, chỉ xác, tế tân, trần bì và chỉ xác. Hỗn hợp dược liệu được sắc trong 500ml nước đến khi còn khoảng 200ml thì ngưng, chia bài thuốc làm 3 lần uống trong ngày. Liệu trình điều trị kéo dài trong 2 tuần.

4. Lưu ý khi dùng cây ruột gà
Cây ruột gà là vị thuốc ít độc, tuy nhiên hoạt chất protoanemonin trong dược liệu được chứng minh có thể gây kích ứng da, làm nổi phồng da khi tiếp xúc lâu. Bên cạnh đó, dùng liều cao vị thuốc này có thể gây xuất huyết dạ dày, thậm chí là gây tử vong. Vì vậy, người bệnh cần thận trọng và lưu ý một số vấn đề khi sử dụng dược liệu trong điều trị như sau:

Kiêng kị: Không uống nước trà và ăn canh miếng khi đang điều trị bằng bài thuốc có chứa cây ruột gà;
Chống chỉ định ở người huyết hư, phong thấp, gân co mà không phải thực tà. Bên cạnh đó, người đang bị suy nhược, khí huyết hư cũng cần thận trọng.
Cây ruột gà nếu dùng quá liều lượng khuyến cáo và trong thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Do đó, để đảm bảo an toàn, hiệu quả người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu trong điều trị bệnh.