Tác dụng – Công dụng của cây Thông đất

0
2074

Thông đất được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa viêm gan, đau nhức xương khớp, ho lâu ngày. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Thông đất thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.

1 Giới thiệu về cây Thông đất
Thông đất còn có tên gọi khác là Thạch Tùng nghiêng. Cây Thông đất mọc ở đâu? Cây mọc thành đám trong các trảng cây bụi thưa hay trảng cỏ thứ sinh ở ven rừng, trên vách đá và đất trống bỏ hoang, ở độ cao đến 1200m. Cây ưa sáng, có thể chịu hạn và ẩm.

Cây Thông đất có mấy loại? Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 10 loài cùng thuộc lớp Thông đất.

Tên khoa học của Thông đất là Lycopodiella cernua (L.) Pic. Serm. (Lycopodium cernuam L.), thuộc họ Thông đất (Lycopodiaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Thông đất.

Hình ảnh cây Thông đất
Hình ảnh cây Thông đất
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo sống nhiều năm. Cây mọc vươn lên từ đất, cao 30-50cm, phân nhánh nhiều. Thân hóa gỗ, hình trụ, hơi có rãnh, ban đầu mọc bò ngang, bén rễ ở các mấu, sau mọc đứng. Lá mọc sít nhau hình dải nhọn, nhỏ, hướng lên trên, xếp theo đường xoắn ốc, chỉ có 1 gân duy nhất.

Bông rất nhiều, hình trụ, tương đối nhỏ, màu nâu nhạt, treo thõng ở đầu các cành nhỏ bên, mang nhiều lá bào tử hình tam giác, đầu nhọn. Túi bào tử nằm ở kẽ lá bào tử, gần hình cầu, hai mảnh vỏ không đều nhau, bào tử rất nhỏ. Mùa sinh sản vào tháng 3-7.

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây phân bố rất rộng, gần như khắp các vùng đồi núi thấp trên cả nước. Ngoài ra còn có ở khắp các nước nhiệt đới và cận nhiệt khác.

2 Thành phần hóa học
Bộ phận Thành phần
Phần trên mặt đất 2-hydroxycernuine
Toàn bộ cây Cermizine A-D, Cermizine C N-oxide, Cernuine, Cernunine N-oxide, Lycocernuine, Lycocernunie N-oxide, Nicotine, Anhydrolycocernuine
Hỗn hợp rễ, thân, lá Lycernuic ketone A-C, Lycernuic acid A-E, Serrat-14-en-3β,21α-diol, Serrat-14-en-3β,21β-diol
Lá Glycoside: Apigenin-4′-O-(2,6-di-O-p-coumaroyl-β-D-glucopyranoside)
Hợp chất khác: Lycocernuine N-oxide; Alkaloid: cernuine và lycocernuine; Lycocernuaside E, ceton lycernuic F và lycernuic B.

3 Tác dụng – Công dụng của cây Thông đất
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống suy giảm trí nhớ
Sử dụng alkaloid từ chiết xuất metanol đã đảo ngược đáng kể tình trạng suy giảm nhận thức ở chuột bằng thử nghiệm né tránh thụ động; làm giảm thời gian trễ trốn thoát trong các thử nghiệm huấn luyện và kéo dài thời gian bơi ở góc phần tư mục tiêu trong quá trình thử nghiệm trên chuột mắc chứng mất trí nhớ do Scopolamine gây ra.

3.1.2 Chống khối u, gây độc tế bào
Hoạt tính gây độc tế bào của các hợp chất được phân lập từ Thông đất chống lại các dòng tế bào ung thư MCF7 (ung thư vú), HepG2 (ung thư biểu mô gan) và SK-Mel2 (u ác tính) đã được báo cáo.

3.1.3 Chống viêm
Hoạt tính chống viêm của chiết xuất Thông đất đã được đánh giá, cho thấy cây có khả năng ức chế chọn lọc COX-2 tốt. Cơ chế có thể là ức chế cyclooxgenase xúc tác quá trình chuyển đổi sinh học của axit arachidonic thành prostaglandin.

3.1.4 Tác dụng khác
Thông đất có hoạt tính kháng cholinesterase, tác dụng liên quan đến sự hiện diện của huperzines và lycopodine. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế chống lại Protease aspartic do C.albicans tiết ra.

 

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Thông đất có tính ấm, vị đắng, ngọt, cay, quy vào kinh can, tỳ, thận, có tác dụng khư phong khử thấp, thư cân hoạt huyết, trấn khái, thu liễm chỉ huyết và lợi tiểu. Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây được cho là có tính bình, vị ngọt, hơi đắng, có tác dụng thanh can minh mục, khư phong chỉ khái, giải độc, chỉ huyết an thai, thư cân hoạt huyết, lợi niệu.

Trong đông y, Thông đất được dùng trong chữa viêm gan cấp, mắt đỏ sưng đau, phong thấp đau nhức xương, ho lâu ngày, kiết lỵ, nôn máu, đi ngoài ra máu, chảy máu cam, vết thương do đâm chém, vết bỏng.

4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Thông đất
4.1 Cách dùng
Liều dùng 20-40g, có thể tới 60g cây tươi, 6-15g cây khô, sắc nước uống (chưa thấy có kinh nghiệm dùng cây Thông đất ngâm rượu), thường phối hợp với các dược liệu khác. Dùng ngoài, rửa vết thương bằng nước sắc hoặc bột rắc.

Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ mang thai.

4.2 Bài thuốc


4.2.1 Chữa kiết lỵ
Thân, lá Thông đất tươi 30-60g, đường đỏ 15g. Sắc lấy nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.

4.2.2 Chữa hư lao, nôn máu, ho, tiểu khó, di tinh
Thông đất 30g, dạ dày lợn 50g. Rửa sạch, thêm nước ninh nhừ trong 2 giờ, mỗi ngày ăn một lần.

4.2.3 Chữa mụn nhọt
Thông đất sao khô, nghiền thành bột, thêm Dầu Vừng, băng phiến, trộn đều, bôi lên vùng da bị mụn nhọt.

4.2.4 Chữa viêm gan
Thông đất 10g, Cà Gai Leo khô 30g. Sắc với 1L nước tới khi con còn 700 ml, chia uống nhiều lần trong ngày.

4.2.5 Chữa suy giảm trí nhớ
Thông đất khô 7g, Viễn Chí 10g. Sắc với 800ml nước tới khi còn 400ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa suy giảm trí nhớ bằng Thông đất
Chữa suy giảm trí nhớ bằng Thông đất
4.2.6 Chữa bệnh khác
Chữa phát ban da: Thông đất khô, đốt lấy tro ngâm với giấm rồi thoa lên vùng da bị phát ban.

Chữa quáng gà, ra mồ hôi trộm, trẻ em bị liệt sau di chứng một số bệnh hoặc phụ nữ mang thai có triệu chứng đẻ non: Thông đất sắc uống, liều phụ thuộc tuổi, đối tượng.

Chữa teo não: Thông đất 3g (hoặc 1-2 cây nhỏ), rửa sạch, sắc nước uống.