Cốt khí củ: Vị thuốc Đông y giúp hoạt huyết, tán ứ

0
51

Cốt khí củ: Vị thuốc Đông y giúp hoạt huyết, tán ứ

Cốt khí củ là loại thực vật có nguồn gốc từ vùng Đông Á, sau đó lan xuống khắp vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Rễ củ có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, giải độc, chữa đau nhức xương, viêm gan vàng da, viêm ruột, viêm phế quản, viêm amidan, táo bón, rắn độc cắn.

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cốt khí (Rễ củ)

Tên khác: Củ cốt khi; Nam hoàng cầm; Điền thất; Hổ trượng; Hồng lìu; Hồ tượng căn; Ban trượng căn; Tử kim long; Hoạt huyết đan

Tên khoa học: Reynoutria japonica Houtt

Tên đồng nghĩa: Polygonum cuspidatum

Họ: Polygonaceae (Rau răm)

Đặc điểm tự nhiên

Cốt khí là một cây nhỏ sống lâu năm, thân mọc thẳng, thường cao 0,5 – 1 m nhưng đặc biệt có nơi cao tới 2 m. Thân không có lông, trên thân và cành thường có những đốm màu tím hồng.

Lá mọc so le có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, rộng, đầu trên hơi thắt nhọn, phía cuống hoặc hơi phẳng hoặc hẹp lại, mép nguyên, dài 5 – 12 cm, rộng 3,5 – 8 cm, mặt trên màu xanh nâu đậm mặt dưới màu nhạt hơn. Cuống dài 1 – 3 cm. Bẹ chìa ngắn. Hoa mọc thành chùm ô kẽ lá, mang rất nhiều hoa nhỏ. Cánh hoa màu trắng. Hoa khác gốc. Hoa đực có 8 nhị. Hoa cái có bầu hình trứng với 3 cạnh, 3 núm.

Quả khô, 3 cạnh, màu nâu đỏ.

cây cốt khíCây Cốt khí

Phân bố, thu hái, chế biến

Cốt khí củ có nguồn gốc ở vùng Đông Á, sau lan xuống khắp vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới, bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Lào và một vài nơi khác.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang dại ở vùng núi cao, từ 1000 – 1600 m và được trồng rải rác trong nhân dân ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Cây cốt khí mọc hoang ở nhiều nơi đặc biệt rất nhiều ở Sapa: Mọc hoang ở đồi núi hoặc ven đường. Miền đồng bằng có mọc và được trồng để lấy củ làm thuốc. Trồng bằng củ, rất dễ mọc. Còn thấy ở Trung Quốc (Giang Tô, Triết Giang). Trồng thử ở đồng bằng, cây ra hoa vào các tháng 8 – 9, ra quả vào các tháng 9 – 10. Thường người ta ít chú ý vì hoa quả rất nhỏ cho nên ít người trông thấy nên thường người ta nói cây này không có hoa.

Mùa thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu (tháng 8 – 9), có nơi thu hái vào các tháng 2 – 3. Đào về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát cắt thành từng mẩu ngắn dài không đều hoặc thái mỏng, phơi hay sấy khô. Vị thuốc dài ngắn không đều, thường dài 1 – 8 cm, đường kính 0,6 – 2 cm, mặt ngoài màu nâu vàng, khi bẻ hay cắt ngang có màu vàng; mùi không rõ, vị hơi đắng.

Bộ phận sử dụng

Rễ cây.

Thành phần hoá học

Trong rễ cây này có anthraglycosid chủ yếu là emodin hay rheum emodin C15H10O5, emodin monometyl ete C16H1205 dưới dạng tự do và kết hợp, chrysophanol, falacinol, questin, questinol . Ngoài ra còn có chất polygonin C21H20O10, tanin, stilben (resveratrol, polydatin), quinon (2 – methoxy – 6 acetyl – 7 – methyljuglone), phenol (acid protocatechuic).

Ngoài ra rễ cây còn chứa các thành phần khác như catechin, 7 – hydroxy – 4 – methoxy – 5 – methyl – coumarin, torachrysin – 8 – O – D – glycosid, các nguyên tố Cu, Fe, Mn, Zn, K.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Trong nhân dân Việt Nam rễ củ cốt khí là một vị thuốc dùng chữa tê thấp, do bị ngã, bị thương mà tổn thương đau đớn. Ngoài ra nó còn là một vị thuốc thu liễm cầm máu.

Vị thuốc được ghi trong bộ Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (Trung Quốc, thế kỷ XVI). Theo tính chất ghi trong tài liệu cổ thì vị thuốc có tác dụng lợi tiểu, thông kinh, giảm đau giảm độc, dùng cho những người bị kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, do bị ngã bị thương mà đau đớn, huyết ứ sau sinh, bụng trướng, tiểu tiện khó khăn.

Rễ cây có vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng khu phong, trừ thấp, lợi tiểu, hoạt huyết, thống kinh, giảm đau, giảm độc.

Dược liệu có chất nhẹ, hơi cứng, mùi không rõ. Y học cổ truyền dùng cốt khí củ thay hoàng cầm với tên hoàng cầm nam.

Cốt khí có tính mátCốt khí có tính mát

Theo y học hiện đại

Dược liệu có tác dụng hạ triglyceride, cholesterol và hạ huyết áp.

Cốt khí củ giúp tiêu viêm, cầm máu, hạ đường huyết, an thần, lợi tiểu và cải thiện cơn ho suyễn.

Cốt khí củ có khả năng ức chế một số vi khuẩn thường gặp như trực khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết…

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng 8 – 20 g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu cùng nhiều vị thuốc khác mà uống. Thường phối hợp với rễ lá lốt, dây đau xương, rễ cỏ xước, quế.

Bài thuốc kinh nghiệm

Đau đầu gối và sưng đỏ mu bàn chân:

Sắc uống dùng mỗi ngày 1 thang (dây đau xương, lá lốt, rễ tầm xoọng, cốt khí củ, cam thảo dây và rễ cỏ xước mỗi vị 20 g). Sử dụng liên tục trong vòng 2 – 3 tuần.

Khớp xương đau nhức và khó vận động:

Sắc uống dùng trong ngày: Lá bìm bịp, mộc thông mỗi vị 20 g, rễ gối hạc và cốt khí củ mỗi vị 12 g.

Đau bụng dưới do bế kinh, huyết ứ sau sinh nở, thống kinh, bụng đau và căng đầy do té ngã:

Sắc uống lá móng 30 g và cốt khí củ 20 g, chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

Đau bụng do kinh nguyệt:

Sắc uống, dùng thuốc mỗi ngày 1 thang: Kê huyết đằng, cốt khí củ, đào nhân, ích mẫu và hồng hoa, điều chỉnh liều lượng theo từng trường hợp.

Sỏi tiết niệu, sỏi mật, viêm túi mật và viêm gan:

Sắc uống đều đặn, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi: Chút chít 15 g, lá móng 20 g, cốt khí củ 15 g, tỳ giải, kim tiền thảo và xa tiền tử mỗi vị 12 – 16 g.

Đau nhức xương khớp do phong thấp:

Sắc uống và dùng hết trong ngày: Cam thảo nam, dây đau xương, rễ cỏ xước, lá lốt, rễ tầm xoọng, cốt khí củ và đơn gối hạc mỗi vị 20 g.

Viêm gan do virus thể vàng da:

Sắc uống mỗi ngày: Lá liễu tươi 15 g, cốt khí củ tươi 30 g và rễ cam thảo tươi 20 g.

Bỏng lửa và bỏng nước:

Đem rán củ cốt khí trong dầu lạc, sau đó để nguội và lấy dầu thoa lên vết bỏng.

Bầm máu do té ngã:

Sắc hồng hoa, một dược, củ cốt khí và nhũ hương (gia giảm liều theo từng trường hợp bệnh) với nước, dùng hết trong ngày.

Đau khớp do ứ huyết:

Sắc lấy nước uống: Tần giao, xuyên ngưu tất, tang ký sinh, phòng phong, ích mẫu thảo, cốt khí củ và ích mẫu thảo, gia giảm lượng tùy mức độ bệnh.

Tắt kinh và đau bụng kinh:

Sắc uống đều đặn, ngày dùng 1 thang: Đương quy, xuyên khung, đơn sâm, cốt khí củ và ích mẫu thảo.

Rắn độc cắn và ung nhọt:

Rửa sạch, để ráo, giã nát và đắp lên da: Nguyên liệu tươi bồ công anh, liên kiều, cốt khí củ và kim ngân hoa.

Viêm họng gây ho:

Sắc uống hoàng cầm tỳ bà diệp, ngân hoa và cốt khí củ, dùng trong nhiều ngày cho đến khi khỏi.

Cốt khí dùng trong bài thuốc điều trị viêm họng gây hoCốt khí dùng trong bài thuốc điều trị viêm họng gây ho

Lưu ý

Dược liệu có tác dụng hoạt huyết mạnh nên không dùng cho phụ nữ mang thai vì có thể tăng co bóp tử cung và gây sảy thai, sinh non.

Tránh dùng đồng thời với các loại thuốc chống đông máu và thuốc co mạch.