Mào gà đỏ và những công dụng chữa bệnh ít ai biết tới

0
985

Hoa mào gà đỏ được trồng để làm cảnh trong vườn nhà của không ít gia đình Việt. Tuy nhiên, khi nói đến công dụng chữa bệnh của loài hoa này sẽ có nhiều người bất ngờ. Theo Đông y, mào gà đỏ có vị ngọt, tính mát, là dược liệu tốt cho chữa trị bệnh đường tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu, mề đay, lở loét,…

1. Đặc điểm dược liệu hoa mào gà đỏ

1.1. Đặc điểm sinh học cây hoa mào gà đỏ

Cây hoa mào gà là một loại thực vật thuộc họ dền, thân mềm, là loài cây cho hoa đẹp với nhiều màu sắc khác nhau. Ở nước ta, cây hoa mào gà chủ yếu được biết đến với hai màu: trắng và đỏ.

Cây hoa mào gà đỏ còn được gọi bằng nhiều tên như kê quan hoa, bông mào gà đỏ. Đây là cây sống lâu năm, cành nhẵn bóng, thân cứng, lá nhọn và dài, cuống và phiến là dạng hình trứng. Cây rất ưa ánh sáng, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và cũng không cần bón nhiều phân.

Cây hoa mào gà đỏ rất dễ trồng và không tốn công chăm sóc

Cây hoa mào gà đỏ rất dễ trồng và không tốn công chăm sóc

Hoa mào gà đỏ có màu đỏ nhung hoặc đỏ tươi, khá cứng, cánh hoa uốn lượn như mào gà. Hầu hết các bông hoa đều không có cuống hoặc nếu có cuống thì lại rất ngắn. Quả của cây mào gà đỏ có hình cầu hoặc trứng, có khoảng 8 – 10 hạt màu đen bên trong, vỏ ngoài của hạt tương đối bóng. Cây ra hoa vào khoảng tháng 7 – 9 và cho quả vào khoảng tháng 9 – 11.

Hoa mào gà đỏ có màu đẹp, hình dáng ưa nhìn nên được nhiều gia đình trồng để làm cảnh. Đây cũng là loài hoa làm cảnh dễ tìm thấy ở nhiều công trình đô thị. Cây phát triển tốt nhất ở điều kiện khí hậu có nhiều ánh sáng và môi trường nóng ẩm.

1.2. Dược liệu hoa mào gà đỏ

– Thu hái và sơ chế

Toàn bộ hạt, mầm non và cụm hoa mào gà đỏ đều có thể được dùng làm dược liệu. Phần cụm hoa được thu hoạch bằng cách cắt đem về phơi hoặc sấy khô. Phần hạt thường thu hoạch vào khoảng tháng 9 – 10 vì đây là thời điểm hạt chín.

Hoa sau khi cắt về phơi hơi se thì được đập tách lấy hạt sau đó phơi lại lần nữa đến khi thật khô thì bảo quản nơi khô ráo để dùng quanh năm. Phần mầm non thì thu hái quanh năm để sử dụng.

– Thành phần hóa học của dược liệu

Trong hoa mào gà đỏ chứa anthocyanin, betanin; hạt hoa có chứa chất béo.

2. Những công dụng chữa bệnh của dược liệu hoa mào gà đỏ

2.1. Tác dụng chữa bệnh của hoa mào gà đỏ

Y học cổ truyền cho rằng hoa mào gà đỏ có tính mát, vị ngọt, công dụng lương huyết chỉ huyết, thanh nhiệt trừ thấp nên hợp để chữa các chứng bệnh: xích bạch ly, trĩ xuất huyết, thổ huyết, khạc huyết , ty nục , huyết lâm, băng lậu, đới hạ, đái dưỡng chấp, di tinh,…

Y học hiện đại tìm thấy trong hoa mào gà đỏ: chất béo, chất đạm, pantothenic, acid folic cùng hàng loạt vitamin nhóm B, C, E, D, K; lysine cùng các loại acid  amin tryptophan; 50 loại mem thiên nhiên; 12 nguyên tố vi lượng. Hàm lượng protein trong hoa mào gà đỏ cao đến 73% nên có thể xem đây là thực phẩm rất bổ dưỡng.

Hầu hết mọi bộ phận của hoa mào gà đỏ đều có thể dùng làm dược liệu

Hầu hết mọi bộ phận của hoa mào gà đỏ đều có thể dùng làm dược liệu

2.2. Bài thuốc chữa bệnh từ hoa mào gà đỏ

– Trị bệnh cao huyết áp: dùng 3 – 4 bông hoa mào gà đỏ, 10 quả hồng táo đem sắc lấy nước uống trong ngày.

– Trị thổ huyết: dùng cả cây hoa mào gà đỏ với lượng vừa đủ sắc để lấy nước uống.

– Trị khạc huyết: dùng 24g hoa mào gà đỏ, 30g rễ cỏ tranh đem sắc uống.

– Trị bệnh lỵ do amip hoặc trực khuẩn: dùng hoa mào gà đỏ sắc với rượu để uống.

– Trị bệnh trĩ chảy máu: hoa mào gà đỏ và phòng phong lượng lấy một lượng bằng nhau đem sấy khô rồi tán bột và vê thành viên có kích thước như hạt ngô, mỗi ngày uống 70 viên với nước cơm vào lúc đói.

Hoa mào gà đỏ có thể trị trĩ ra máu rất tốt

Hoa mào gà đỏ có thể trị trĩ ra máu rất tốt

– Trị bệnh tiểu ra máu, tiểu buốt: dùng 15g hoa mào gà đỏ đem sắc uống.

– Trị đại tiện ra máu: đem sao cháy hoa mào gà đỏ rồi tán thành bột, mỗi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần uống 6 – 9g.

– Trị nổi mề đay: dùng cả cây hoa mào gà đỏ vừa sắc uống vừa ngâm rửa.

– Trị nhọt độc ở gáy: lấy một lượng bằng nhau gồm hoa mào gà đỏ còn tươi, liên tử thảo tươi và nhất điểm hồng tươi đem rửa sạch rồi giã nát sau đó thêm vào ít đường đỏ và đắp trực tiếp lên tổn thương.

– Trĩ lở loét: dùng 3g hoa mào gà, 3g ngũ bội tử, một ít băng phiến đem tán bột rồi trộn cùng mật lợn để bôi lên vùng da bị lở loét.

– Trị máu kinh ra nhiều: lấy một lượng vừa đủ hoa mào gà đem sấy khô sau đó tán bột để uống cùng chút rượu vào lúc đói, mỗi lần 6g.

– Trị bế kinh: hầm 24g hoa mào gà tươi với 60g thịt nạc sao cho nhừ rồi lấy ra chia thành nhiều bữa ăn trong ngày.

– Trị kinh nguyệt không đều: lấy 9g hoa mào gà đỏ với 9g hoa mào gà trắng sắc uống.

– Trị ra khí hư có màu đỏ: dùng hoa mào gà đỏ đem sấy khô rồi tán thành bột để uống vào buổi sáng sớm khi bụng còn đói, mỗi ngày 9g.

– Trị băng lậu (ra máu âm đạo bất thường): lấy một lượng bằng nhau gồm trắc bá diệp và hoa mào gà đỏ đem sao cháy rồi tán thành bột, mỗi lần uống 6g, uống 3 lần/ngày.

3. Một số lưu ý khi sử dụng hoa mào gà đỏ

Mặc dù hoa mào gà đỏ mang lại nhiều công dụng chữa bệnh khác nhau nhưng:

– Người bị u cục, béo phì không nên dùng.

– Người ăn không tiêu, khả năng tiêu hóa kém, hay bị chân tay lạnh nên dùng hoa mào gà đỏ, không dùng hoa mào gà trắng vì dược liệu có tính nê trệ dễ làm trầm trọng các triệu chứng bệnh.

Hoa mào gà đỏ ngoài dùng làm dược liệu còn có thể chế biến để làm món ăn trong bữa ăn hàng ngày bằng cách nấu canh thịt băm, xào cùng tôm, xào cùng thịt vịt,… Những món ăn này được nhiều người yêu thích và còn giúp cơ thể được giải nhiệt, ngừa táo bón và kích thích tiêu hóa.

Hy vọng chia sẻ trên đây đã giúp bạn biết thêm về những lợi ích của hoa mào gà đỏ để trong tình huống cần thiết có thể sử dụng dược liệu này cho mục đích chăm sóc sức khỏe của mình.