Pha nước chấm muốn tỏi ớt nổi lên, nhất định phải biết 3 mẹo này

0
404

Pha nước chấm chua ngọt không phải việc khó nhưng làm sao để tỏi ớt nổi lên trên thì không phải ai cũng biết.

Nước mắm là loại gia vị truyền thống không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt. Không chỉ dùng để nêm nếm trong khi nấu nướng, nước mắm còn dùng để pha thành các loại nước chấm ăn kèm giúp tăng thêm vị đậm đà, hấp dẫn cho món ăn.

Một bát nước chấm ngon có ảnh hưởng lớn đến sự thành công của cả món ăn. Rất nhiều món ăn của người Việt sử dụng nước mắm tỏi ớt để ăn kèm như nem cuốn, phở cuốn, bánh xèo, bánh bột lọc…

Bát nước chấm tỏi ớt tuy đơn giản, bạn chỉ cần có những nguyên liệu cơ bản như nước mắm, giấm/chanh, đường, tỏi, ớt, nước lọc. Tuy nhiên, để nước chấm đạt được độ sánh, sệt, ngon và tỏi ớt nổi lên đẹp mắt, bạn cần có bí quyết riêng.

Một bát nước chấm đúng điệu cần có vị mặn, thơm của nước mắm, vị ngọt từ đường, chua dịu từ chanh/giấm, cay nồng của tỏi ớt.

Nước mắm tỏi ớt pha đúng cách có thể cất trữ để ăn dần cả tháng.

Để có bát nước mắm tỏi ớt ngon với phần tỏi ớt nổi lên trên đẹp mắt, chị em hãy lưu lại những bí quyết sau đây.

Tỷ lệ các nguyên liệu

pha-nuoc-mam-toi-ot-01
Nhiều người cho rằng tỷ lệ giữa các nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc có được bát nước chấm có hương vị vừa miệng. Bạn cần đảm bảo tỷ lệ 1:1:1:4 tức là 1 nước mắm, 1 đường, 1 giấm (hoặc nước chanh), 4 nước lọc. Dựa trên tỷ lệ này, bạn có thể điều chỉnh gia giảm một chút các nguyên liệu để đạt được hương vị phù hợp với khẩu vị của gia đình.

Thứ tự pha nước chấm

pha-nuoc-mam-toi-ot-02
Thứ tự cho các loại gia vị vào pha nước chấm cũng cần được lưu ý. Không phải cứ cho tất cả các nguyên liệu vào bát rồi khuấy đều là được.

Đầu tiên, bạn nên cho nước lọc và đường vào bát rồi khuấy đều. Đến khi đường tan mới cho nước mắm và giấm/chanh. Sau cùng mới cho tỏi, ớt băm.

Lưu ý, nước mắm nên dùng loại 40 độ đạm bởi độ mặn vừa phải, giúp bát nước chấm có hương vị thơm ngon, vừa ăn.

Sơ chế tỏi ớt băm
pha-nuoc-mam-toi-ot-03
Khi chọn tỏi, bạn nên lựa những củ căng mẩy. Bóc vỏ tỏi và dùng dao sắc băm nhỏ.

Về ớt tươi, hãy rạch một đường giữa dọc theo chiều dài của quả ớt và loại bỏ phần hạt. Sau đó, băm nhỏ ớt.

Một lưu ý quan trọng khi băm tỏi ớt là toàn bỏ dao, thớt và nguyên liệu phải thật khô ráo.

Để tỏi ớt nổi lên trên khi cho vào bát nước mắm, bạn có thể ngâm tỏi, ớt đã băm với một chút nước cốt chanh/giấm trong khoảng 3-5 phút rồi vớt ra.

Sau khi đã pha xong phần nước mắm thì mới bỏ tỏi ớt vào và khuấy đều một vòng cho các nguyên liệu hòa lẫn vào nhau.

Một số người thích giã tỏi, ớt hơn là băm vì cho rằng giã dập thì tỏi, ớt sẽ thơm hơn. Tuy nhiên, miếng tỏi khi giã sẽ có kích thước lớn, khó nổi lên trên hơn.

Mẹo pha nước chấm tỏi ăn bảo quản được cả tháng

Để pha nước chấm tích trữ dùng dần, bạn nên cho đường và nước lọc vào nồi rồi đặt lên bếp để đun sôi. Thêm khoảng nửa muỗng cà phê muối để nước chấm bảo quản được lâu hơn. Đun sôi khoảng 3 phút cho nước có độ keo sánh rồi tắt bếp. Sau khi tắt bếp thì cho nước mắm vào (vì đã cho thêm muối nên bạn có thể điều chỉnh lượng nước mắm cho phù hợp, không làm nước chấm bị mặn). Cho nước mắm vào sau cùng để hương vị nước mắm được giữ nguyên.

Trong thời gian chờ đợi nước mắm nguội thì bạn có thể băm tỏi ớt.

Cũng cho tỏi ớt vào ngâm trong nước chanh/giấm để tạo độ nổi.

Chờ nước mắm nguội hẳn thì mới cho tỏi, ớt vào.

Pha xong thì cho hỗn hợp vào hộp sạch, đậy nắp kín và để ở ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Theo thời gian, tỏi ớt sẽ chìm dần xuống nhưng vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon.