Rau tàu bay có tác dụng gì?

0
81

Có một loài cây hoang dại mọc khắp nơi trên đất nước Việt Nam với tên gọi cây rau tàu bay. Loài cây này được ông bà ta sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như làm thức ăn cứu đói trong những mùa kháng chiến oanh liệt và là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh lý. Vậy rau tàu bay có tác dụng gì?

1. Cây rau tàu bay là gì?

Rau tàu bay còn mang nhiều tên gọi khác như cây Kim Thất, Ngải Rét, Sra tây, Lảo Lộc (theo dân tộc Tày). Loài thực vật này có tên khoa học là Gynura crepidioides Benth, thuộc họ Cúc (Asteraceae).

2. Rau tàu bay có tác dụng gì

Cây rau tàu bay làm lành vết thương:

Một nghiên cứu công bố ngày 22/8/2020 của 2 tác giả người Việt Nam là Đặng Thị Phương Thảo và Nguyễn Minh Cần cho kết quả, chiết xuất hydroethanolic từ lá rau tàu bay mang hiệu quả chống oxy hóa, kháng viêm, tăng sinh nguyên bào sợi, thu nhỏ vết thương và kích thích tăng sinh mạch máu. Qua đó cho thấy rau tàu bay có tác dụng kích thích vết thương mau lành.
Cây rau tàu bay có đặc tính chống đông máu – điều trị rối loạn đông máu
Chiết xuất methanol từ lá cây rau tàu bay có thể kéo dài thời gian đông máu, thời gian prothrombin và thromboplastin một phần hoạt hóa, do đó mang lại triển vọng khai thác trong điều trị các bệnh lý có rối loạn đông máu.
Cây rau tàu bay giúp bảo vệ tế bào β đảo tụy – phòng chống bệnh đái tháo đường
Các thành phần thực vật chống oxy hóa như phenol và flavonoid trong rau tàu bay đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các quá trình thoái hóa do stress oxy hóa, trong đó có căn bệnh phổ biến là đái tháo đường. Bên cạnh đó, dịch chiết từ rau tàu bay còn có tác dụng bảo vệ tế bào β tuyến tụy và chống lại đái tháo đường.

3. Liều dùng và cách dùng cây rau tàu bay để điều trị bệnh?

Theo Y Học Cổ Truyền, dược liệu rau tàu bay có vị đắng, tính bình, mùi thơm, mang một số công dụng như thanh can hỏa, giải độc, se da, tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng…

Người dân sử dụng cả cây rau tàu bay phơi khô làm dược liệu để chủ trị các chứng cảm sốt, hạ thân nhiệt, kích thích khả năng tiêu hóa và lợi tiểu.

Dịch chiết từ lá rau tàu bay được sử dụng để diệt trừ giun, thu liễm, giã đắp ngoài giúp chữa mụn nhọt.

Liều dùng, cách dùng:

  • Liều dùng của rau tàu bay phơi khô là 30g/ngày;
  • Người dân có thể dùng dược liệu này dưới dạng thuốc đắp ngoài, sắc lấy nước uống hoặc chế biến món ăn bằng cách ăn sống, nấu, xào, luộc…
  • Kinh nghiệm dân gian khi bị rắn rết cắn thì sử dụng lá rau tàu bay tươi giã nhuyễn hoặc nhai nát và đắp lên vết thương.

Người dân Việt Nam sử dụng rau tàu bay với mục đích chủ yếu là tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, loài cây này còn được sử dụng với mục đích giảm đau nhức xương khớp và chữa bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ.

4. Bài thuốc chữa bệnh từ cây rau tàu bay

Bài thuốc chữa sốt từ cây rau tàu bay:
Người bệnh sử dụng khoảng 10 – 15g rau tàu bay khô, đem đi sắc lấy nước uống. Cần uống liên tục trong 2 – 3 ngày sẽ giúp giảm sốt rõ rệt.
Rau tàu bay giúp cầm máu, kháng khuẩn, kháng viêm, chữa lành vết thương:
Sử dụng rau tàu bay tươi đã rửa sạch, đem đi giã nát và đắp lên vùng xương khớp đau nhức hoặc vị trí sưng viêm do vết thương.
Giải độc cơ thể, tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tiểu đường:
Người bệnh sử dụng rau tàu bay nấu canh hoặc luộc ăn 2 – 3 lần mỗi tuần sẽ mang lại hiệu quả đáng kể.
Bài thuốc chữa tiêu chảy từ cây rau tàu bay:
Dùng lá rau tàu bay dạng tươi hoặc phơi khô, liều lượng khoảng 15g sắc lấy nước và cho trẻ tiêu chảy uống mỗi ngày sẽ giúp các triệu chứng thuyên giảm.

5. Có hay không tác hại của rau tàu bay khi dùng quá nhiều?

Có rất nhiều người yêu thích mùi vị đặc trưng của cây rau tàu bay. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc ăn quá nhiều và thường xuyên rau tàu bay sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu. Để khắc phục tình trạng này chúng ta cần phải làm toan hóa rau tàu bay bằng cách phối hợp loại rau này với các loại chấm nước mắm chanh hoặc sử dụng rau tàu bay như một loại rau trộn có chanh hoặc giấm để tăng hấp thu sắt, hỗ trợ hình thành huyết sắc tố.

Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng việc dùng kéo dài cây rau tàu bay có thể dẫn đến bệnh lý sỏi thận. Vì vậy nên ăn thay đổi những loại rau rừng khác nhau cho bữa ăn thêm phong phú. Tuy nhiên, tất cả những ý kiến trên về tác hại của rau tàu bay vẫn chưa được khoa học kiểm chứng.

Có thể thấy ray tàu bay là một loại cỏ mọc dại nhưng được sử dụng như một loại rau phổ biến ở nhiều nơi. Tuy là loài thực vật có nguồn gốc từ tự nhiên và được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống nhưng chúng ta không nên sử dụng một cách tuỳ ý, sử dụng quá liều lượng hoặc nghe theo các kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng để tránh các tác dụng không mong muốn.