Bạch đầu ông: Vị thuốc cổ truyền giải cảm, an thần

0
924

Bạch đầu ông có tên khoa học là Vernonia cinerea (L.) Less, thuộc họ Cúc (Asteraceae), tên đồng nghĩa: Conyza cinerea L. Công dụng: Lá được dùng để chữa cảm sốt, sốt rét; rễ cây được dùng chữa lỵ, ỉa chảy, đau dạ dày; toàn cây chữa viêm gan, vàng da, suy nhược thần kinh.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Bạch đầu ông.

Tên gọi khác: Hồ vương sứ giả; Bạch đầu thảo; Miêu đầu hoa; Phấn thảo; Phấn nhũ thảo.

Tên khoa học: Vernonia cinerea (L.) Less , thuộc họ Cúc (Asteraceae), tên đồng nghĩa: Conyza cinerea L.

Đặc điểm tự nhiên

Bạch đầu ông là loài cây thảo cao 20 – 80cm, rất đa dạng và sống lâu năm. Cây mọc rải rác hay thành đám nhỏ trên đất ẩm ở vườn, các bãi đất hoang quanh làng, ven đường đi và trên nương rẫy. Thân cây đứng và có khía dọc và lông mềm áp sát. Thân cây thường mọc thẳng và có hình trụ.

Lá hình dải, hình mũi mác hay hình quả trám, gần như nguyên hoặc có mép răng cưa nhỏ. Lá cây thường mọc so le, kích thước rất thay đổi, gốc lá thuôn và đầu lá nhọn.

Cụm hoa ngù ở ngọn thân, đôi lúc mọc ở bên, gồm nhiều đầu (khoảng từ 15 đến 20 cái). Lá bắc xếp thành 3 hàng. Mào lông màu trắng hoặc vàng nhạt, có lông dài ngắn không đều nhau, những lông ngoài rất ngắn, đầu có mũi nhọn mảnh. Tràng hoa có màu hồng hay đo đỏ, các thùy hoa thuôn hình chỉ. Bên cạnh đó, bao phấn có tai rất ngắn.

Quả bế có lông nhung dày, có hoặc không có rạch xung quanh.

Cây Bạch đầu ông thường ra hoa và có quả từ tháng 4 đến tháng 5.

bạch đầu ôngCụm hoa Bạch đầu ông

Phân bố, thu hái, chế biến

Chi Vernonia Chreb được biết đến 23 loài đa dạng ở Việt Nam trong đó có loài Bạch đầu ông kể trên (qua nghiên cứu của Nguyễn Tiến Bân và cộng sự năm 2005).

Cây Bạch đầu ông phổ biến khắp nước ta từ miền núi cao khoảng 1.500m trở lên đến trung du và đồng bằng, ngoại trừ vùng núi. Loài này cũng phân bố rộng rãi ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Nuven-Calêđôni cho đến tận vùng Đông Phi và Australia.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng là toàn cây – Herba Vernoniae Cinereae. Bạch đầu ông thường được thu hái toàn cây quanh năm, tốt nhất là vào mùa hè, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hoá học

Toàn cây có β-amyrin acetat, Iupeol acetat, β-amyrin, Iupeol, β-sitosterol, stigmas-terol và KCl.

dược liệu bạch đầu ôngCây Bạch đầu ông

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Cây có vị đắng, ngọt, tính mát; có tác dụng khu phong tán nhiệt, lương huyết giải độc, trấn tĩnh an thần.

Theo đông y, Bạch đầu ông có tác dụng điều trị các bệnh như sau: Đau dạ dày, tiêu chảy, sốt, ho, sổ mũi, bướu cổ, đau bụng, suy nhược thần kinh, đinh nhọt, hắc lào, chàm, lỵ amip, lỵ do huyết, chảy máu cam, chảy máu, vết rắn cắn, trưng hà, bụng đau, trĩ sưng đau, hoàng đàn cấp tính,…

Theo y học hiện đại

Tác dụng giảm đau, chống viêm

Theo nghiên cứu mô hình gây phù bàn chuột bằng carragenin, histamin và serotonin thì trong Bạch đầu ông có tác dụng chống viêm cấp tính. Ở Nuven Calêđôni, cây có tính chất chữa thương, làm ra mồ hôi và kích thích.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu cao chiết từ lá cây Bạch đầu ông có thể làm giảm triệu chứng và tần suất đau của chuột nhắt trắng.

Tác dụng lợi tiểu

Trong Bạch đầu ông có chứa tanin, đường, flavonoid, glucoside có tác dụng lợi tiểu. Kết quả trên có được theo nghiên cứu từ cao khô cây Bạch đầu ông thử trên chuột cống trắng.

Tác dụng lợi tiêu hóa

Ở Đông Phi châu, lá và hoa được xem như là lợi tiêu hóa.

Cây có vị đắng, nhưng ở Giava (Inđônêxia) người ta dùng toàn cây nấu chín ăn như rau. Thường dùng trị:

  • Sổ mũi, sốt, ho (lá).
  • Lỵ, ỉa chảy, đau dạ dày (rễ).
  • Viêm gan (hoàng đản cấp tính).
  • Suy nhược thần kinh.
  • Mụn nhọt, viêm tuyến sữa, hắc lào, chàm, rắn cắn.

Ở Vân Nam (Trung Quốc) cây còn được dùng trị sốt rét, đòn ngã, mất ngủ, bạch đới, trẻ em khóc đêm. Ở Nuven Calêđôni, cây được dùng hãm uống lợi tiêu hóa và lợi dạ dày; cũng được dùng trị thấp khớp.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng 15 – 30g cây khô sắc uống với các vị thuốc khác.

Dùng lá già đắp để chữa đinh nhọt, rắn cắn và bệnh ngoài da. Bột lá lẫn với vôi dùng đắp trị đau đầu, vết thương. Có thể dùng cành lá nấu nước rửa.

Bài thuốc kinh nghiệm

Sổ mũi, sốt, ho

Chuẩn bị: Bạch đầu ông, Ngũ trảo, rễ Bồ hòn, lá Gừa (sanh) mỗi vị 15g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Suy nhược thần kinh

Bạch đầu ông, Hy thiêm mỗi vị 15g. Chua me đất, Rau bợ mỗi vị 12g, Sẹ (Alpinia oxyphylla) 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Huyết áp cao

Bạch đầu ông, Chua me đất, Hy thiêm mỗi vị 15g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bệnh lỵ kèm sưng họng vào mùa xuân hè

Mộc hương 15g, Hoàng liên và Bạch đầu ông mỗi vị 30g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc trị trĩ ngoại/thoát vị bẹn

Dùng rễ tươi giã nát và đắp trực tiếp vào vùng cần điều trị.

Trĩ ra máu, lỵ ra máu do nhiễm độc lỵ amip

Hoàng liên 6g, Tần bì và hoàng bá mỗi vị 12g, Bạch đầu ông 20g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc trị nhọt sưng đau và lở da do nhiệt độc

Băng phiến 2g và Bạch đầu ông 160g. Đem các vị tán bột mịn, sau đó dùng Bạch đầu ông nấu với nước thành cao, trộn với băng phiến và dán cao vào vùng da cần điều trị.

Viêm âm đạo và âm đạo ngứa ngáy

Khổ sâm và Bạch đầu ông mỗi vị 20g. Rửa sạch dược liệu, đem nấu nước rửa âm đạo.

Tăng huyết áp

Hy thiêm, Chua me đất và Bạch đầu ông mỗi vị 15g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc trị ho, sốt và sổ mũi

Lá gừa (sanh), ngũ trảo, rễ Bồ hòn và bạch đầu ông mỗi vị 15g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc trị chứng suy nhược thần kinh

Rau bợ và chua me đất mỗi vị 12g, hy thiêm và Bạch đầu ông mỗi vị 15g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc trị chứng rong kinh và rong huyết

Bạc thau, Bạch đầu ông và lá ngải cứu mỗi vị 20g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan cấp gây vàng da

Diệp hạ châu và Bạch đầu ông mỗi vị 30g (dùng khô). Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

tác dụng chữa bệnh của bạch đầu ôngCây Bạch đầu ông được dùng chữa rất nhiều bệnh

Lưu ý

Không dùng Bạch đầu ông cho người lỵ, tiêu chảy do hư hàn và huyết không có nhiệt tà.